Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Vô Hy Vọng

PHẬT THUYẾT KINH VÔ HY VỌNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI
 

Đức Phật bảo A Nan: Nếu có chúng sinh thích tin hiểu pháp này thì những cử động đi, đứng đều như bước đi của voi. Người tin Kinh này đều như bước đi của voi lớn và bước đi của Rồng. Người vui thích ý nghĩa chân thật của pháp này cũng ví như bước chân của sư tử, đi đứng, cử động nào cũng vĩ đại không ai bằng.

Đức Phật dạy A Nan: Kinh này là sự chỗ chính yếu của các Bồ Tát.

Chúng Bồ Tát thuận theo lời dạy trong Kinh này thì nên thưa hỏi thọ trì, công đức đời trước hiện ra trước mắt. Sau khi ta diệt độ Kinh này hướng đến các Bồ Tát để được giữ gìn, tâm định, ý định cho nên trở về không, miệng tụng tâm suy nghĩ là kho tàng của Bồ Tát, không phải nơi quay về đức mỏng, bế tắc của Bồ Tát, chẳng phải chỗ trở về lòng độc hại, dua nịnh hư dối của Bồ Tát, cũng không phải nơi trở lại nhiều mong muốn vọng tưởng của Bồ Tát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hiện ra tướng đoan chánh nên cảm ứng đến Văn Thù.

Văn Thù Sư Lợi liền biết điềm ấy, tự nghĩ rằng: Ta muốn thưa hỏi Đức Như Lai Chí Chân về pháp sâu xa, tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác không thể sánh bằng, các Bồ Tát thực hành theo như thế thì phải làm thế nào?

Tôn Giả Văn Thù Sư Lợi đến trước Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay con muốn thưa hỏi Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác nếu Thế Tôn cho phép con mới dám thưa.

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Tùy ý thưa hỏi, đại chúng trong hội đều đến tập họp sẽ nhờ ân này.

Văn Thù Sư Lợi liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ Tát chứng được pháp công đức.

Đều hiện ra tất cả hạnh của Bồ Tát, giáo hóa cho tất cả chúng sinh không thể tính kể, thị hiện vào các cõi nước của Phật như Mặt Trăng trong nước?

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi đã hỏi tóm tắt về những nghĩa chính yếu, Như Lai sẽ vì người mà phân biệt đầy đủ, khiến cho chúng được các công đức hãy lắng nghe suy nghĩ kỹ.

Văn Thù Sư Lợi và đại chúng vâng lời lắng nghe Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Như có Bồ Tát thực hành sáu pháp đều có thể đầy đủ ý nghĩa của đạo, an trú nơi tất cả công đức.

Những gì là sáu?

1. Bồ Tát thực hành hạnh Bố thí Ba La Mật, tất cả đều đem bố thí mà không bỏn sẻn không có hối tiếc, bố thí hoàn toàn không tiếc thân của mình.

2. An trú vào giới cấm không phạm các điều ác, hiểu rõ nghĩa lý không thấy có mình và người.

3. Thành tựu hạnh nhẫn nhục, nhu thuận hòa nhã, tâm không thù hận, hiểu rõ giải thoát tất cả không bị ngưng trệ bởi kết sử.

4. Siêng năng tinh tấn, thân không có chỗ hành, tâm không còn phân biệt.

5. Nhất tâm, chánh niệm hiểu rõ các pháp môn, phương tiện, thiền định chánh thọ tâm hoàn toàn an lạc, không luyến tiếc.

6. Trí tuệ hiểu biết thông suốt để làm đạo nghiệp tự thấy mình không xa lìa năm đường, các chỗ đã sinh đều được cứu giúp.

Đó là sáu pháp. Bồ Tát đã thực hành đầy đủ sáu pháp này, thành tựu được tất cả các công đức.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Lại có sáu pháp khiến cho hạnh nghiệp này được đầy đủ, kiến lập pháp tích lũy tất cả công đức.

Những gì là sáu?

1. Bồ Tát đi vào địa ngục cứu vớt tai nạn bị thiêu đốt của chúng sinh khiến được sinh lên Cõi Trời.

2. Thị hiện vào loài súc sanh hay nhiễu loạn, căm giận, không an ổn, không hiểu rõ nghĩa lý, thâu nhiếp tánh của chúng hiển bày pháp hiền hòa vi diệu.

3. Sinh vào dòng họ nghèo nàn thấp kém để nêu bày địa vị tôn quý thế lực của Chuyển Luân Thánh Vương.

4. Thị hiện vào trong năm đường để cứu độ, mà được sự an lạc hơn tất cả.

5. Bồ Tát hiểu biết đúng thời, thể nhập vào các Cõi Phật, nhưng pháp thân không bị lay động, không đến không đi mà thị hiện khắp các Cõi Phật.

6. Phát ra vạn ức âm thanh trong suốt để giáo hóa đều khiến cho người nghe tâm định tĩnh, không thiên vị, bênh vực, tâm tánh thanh thản.

Đây là sáu pháp khiến cho Bồ Tát tích lũy được tất cả công đức.

Văn Thù Sư Lợi lại thưa hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào Bồ Tát giáo hóa chúng sinh ở địa ngục khiến họ sinh lên Cõi Trời?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát nhập vào tam muội đại liên hoa chấp nhận đến địa ngục cứu vớt chúng sinh khiến cho tất cả sinh lên Cõi Trời được an lạc, vì thấy chúng sinh bị những khổ não nên thị hiện vào cung tuyệt mỹ của Trời Đao Lợi.

Thấy những tai nạn nguy hiểm này mà sinh nhàm chán, để cứu thoát các khổ não, vì những người ở địa ngục mà thuyết giảng Kinh này, khiến cho vô số trăm ngàn chúng sinh thoát khỏi khốn khổ ở địa ngục. Đây là Bồ Tát cứu vớt những chúng sinh ở địa ngục khiến cho họ hết sự khổ thiêu đốt rồi thường thuận theo pháp không còn sai phạm.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại thưa Phật: Làm thế nào Bồ Tát giáo hóa, cứu vớt loài súc sanh nhiễu loạn thoát nạn mê tối được sinh vào nơi an lạc của người?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát nhập vào tam muội tịch tĩnh, nhờ vào tam muội chánh thọ này mới có thể cứu giúp loài súc sanh, khiến cho tâm chúng không còn quấy nhiễu, tánh được vui vẻ, được sinh vào cõi người an ổn. Giữ gìn ba việc để thuyết Kinh này khiến cho vô số loài chúng sinh an trú vào đạo pháp. Đây là Bồ Tát giáo hóa súc sanh thoát khỏi nạn mê tối khiến được sinh trong cõi người.

Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát thị hiện vào dòng họ nghèo nàn thấp kém, mà được công đức an lạc của Chuyển Luân Thánh Vương?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thể nhập vào tam muội chánh thọ thật sự hoàn toàn thanh lạc tâm ý trở nên thanh tịnh. Nhờ tam muội này vượt qua sự thấp kém làm cho thanh tịnh hoàn toàn, tuy sinh vào dòng họ thấp kém nhưng được hưởng được những phước đức an lạc của Chuyển Luân Thánh Vương. Đây là Bồ Tát sinh vào dòng họ thấp kém mà được hưởng phước đức an lạc của Chuyển Luân Thánh Vương.

Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát đều thị hiện vào năm đường mà được sự an vui hơn tất cả?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Có tam muội gọi là đem các hạnh chiếu sáng vô cùng. Khi Bồ Tát an trú vào trong tam muội này chính là lúc hiện thân vào trong năm đường, hướng dẫn chúng sinh, khiến được các hạnh thù thắng trên hết, tất cả đều phát tâm vô thượng chánh chân.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào Bồ Tát tùy thời phương tiện đều nhập vào tất cả Cõi Phật mà Pháp Thân vẫn y nguyên, không bị chuyển dời, không đến, không đi đều thị hiện trong toàn bộ Cõi Phật, như Mặt Trăng hiện trong nước?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Có tam muội gọi là hòa nhập vào các âm thanh, Bồ Tát an trú vào tam muội này dùng tâm định tĩnh, nhận biết đúng đắn có khả năng thị hiện thân mình ở khắp mười phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn hướng và phương Trên, phương Dưới, thân không di chuyển, không đến không đi, an trú vào định ý này thấy được Chư Phật Thế Tôn khắp mười phương và nghe thuyết Kinh.

Đây là Bồ Tát không dời dổi tùy thời phương tiện, hiện vào tất cả Cõi Phật, như Mặt Trăng hiện trong nước không đến không đi. Bồ Tát như thế giáo hóa hoàn toàn cũng không đến đi.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào Bồ Tát phát ra vạn ức âm thanh trong suốt để giáo hóa, khiến họ đều được nghe?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát này chứng được vô lượng Tổng trì hồi chuyển hiểu biết tâm tánh chúng sinh không có giới hạn, tùy theo ngôn ngữ họ đều rõ các âm thanh, thông tỏ vô số các âm thanh để giáo hóa, giải nghĩa thích hợp với tâm họ, chứng đạt được pháp tổng trì này, thuyết giảng được tất cả thứ tiếng khiến người nghe những ngôn từ thuyết giảng đều không lầm lẫn. Đây là Bồ Tát phát ra vạn ức âm thanh trong suốt để giáo hóa, khiến được chứng đắc.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát có những phương tiện thiện xảo nào từ khó đến khó đều vượt qua cả không ai sánh bằng ở trong Kinh căn bản này nếu Bồ Tát thường lãnh thọ thì nên thực hành gì để được pháp môn giải thoát.

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát muốn học Kinh này thì nên tin hiểu pháp hư không.

Văn Thù Sư Lợi lại hỏi Đức Phật.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là hư không?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Hư không nghĩa là trống rỗng, không có tâm cấu uế, không sân giận, tai hại, cũng không quên mất. Tất cả các pháp cũng lại như vậy, không nhiễm ô, không tai hại cũng không quên mất.

Giống như hư không là không thành tựu bố thí, không hoàn toàn trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, hoàn toàn không có chỗ sinh.

Như thế, này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp không thành tựu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Giống như hư không, cho nên không có giải thoát, không đoạn trừ. Tất cả các pháp cũng như vậy, không giải thoát không diệt trừ như hư không. Người đã thực hành thì không có quả vị chứng đắc, các pháp cũng lại như vậy, không có nơi thực hành và không có quả vị chứng đắc.

Giống như hư không là không có tối tăm cũng không sáng rực rỡ, các pháp cũng vậy, không tối tăm cũng không sáng rực. Giống như hư không là mênh mông không có giới hạn chẳng thể nắm bắt. Các pháp như vậy đều không có giới hạn, chẳng thể cầm nắm. Giống như hư không là không có đường chánh cũng không có đường tà.

Giống như hư không là không lập nên thân xa lìa các hạnh lậu, không học Thanh Văn, không chú ý đến Duyên Giác, không chấp trước Chư Phật, không có Đại Thừa trên hết, các pháp cũng như vậy, không học Thanh Văn, Duyên Giác, Đại Thừa.

Giống như hư không là không có tư duy, không còn phân biệt. Các pháp cũng vậy, không có vọng tưởng, cũng không có phân biệt. Giống như hư không là không đề cao, không hạ thấp, không tiến nhanh, cũng không giải đãi. Các pháp cũng vậy, không tiến nhanh, cũng không giải đãi. Giống như hư không là không ứng mà ứng, không gì bằng mà bằng.

Các pháp cũng vậy không ứng mà ứng, không gì bằng mà bằng. Giống như hư không, chiếu soi chúng sinh đầy cấu uế khiến cho trong sạch. Các pháp cũng vậy, ở trong Niết Bàn hoàn toàn trong sạch. Vì thế cho nên không thể diệt trừ, không thể bỏ đi. Giống như hư không là không có chỗ kiến lập cũng không có chỗ trú, không lay động, không dời đổi, không nơi chốn.

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát biết rõ chúng sinh không có chỗ trú, không nên quán xét thấy có nơi chốn, đạt được bản tế, không lay động, không dời đổi, không trú mà trú.

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy pháp đó tự nhiên, người muốn thấy Như Lai Chí Chân thì là tà kiến, người tà kiến mong được vào chánh kiến. Người thể nhập vào chánh kiến, đó là Niết Bàn, chẳng phải quả của đại đức không có công đức lớn. Chứng được Niết Bàn chẳng phải quả vị của đại đức.

Nếu không có công đức cứu giúp chúng sinh, mình cứu giúp họ thì ở trong sự cứu giúp không có mong cầu: Người trong việc cứu giúp mà không có sự mong cầu tức có đầy đủ trí tuệ thanh tịnh như hư không. Mình đã đủ trí tuệ thanh tịnh thì mau chóng thành tựu quả vị Vô sinh pháp nhẫn.

Khi ấy, trong chúng hội có sáu mươi Tỳ Kheo, đều thường kiêu mạn nghĩ rằng: Hôm nay, Như Lai giảng thuyết đạo tối tăm, lời dạy mê hoặc. Các hoặc thuyết ngoại đạo đều dạy như thế.

Làm sao thực hành! Trước đây, Thế Tôn đã thuyết giảng những pháp này.

Những ngoại đạo là: Lan Ca Diếp, Ma Ha Ly Cù Gia Lâu, A Di Đế Cơ Gia, Kim Ly Phi Hưu Ca Chiên Tiên Bắc Lô Trì, Ni Kiền Tử… đều nói những lời này. Nhân duyên gì Như Lai cũng giảng dạy như thế, có gì đặc biệt. Làm sao để hướng dẫn tu tập, làm sao để thực hành.

Lúc ấy, Đức Phật biết sự suy nghĩ của sáu mươi vị Tỳ Kheo có tâm kiêu mạn này, liền bảo Văn Thù Sư Lợi: Ta là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác giảng thuyết Kinh này cùng với các học thuyết ngoại đạo không có gì sai khác, nhưng ngoại đạo không thể phân biệt rõ nghĩa lý chỗ quay về của pháp mà ta đã giảng.

Sáu mươi Tỳ Kheo khi nghe pháp này tăng thêm lòng buồn sầu, không an vui thật không ưa thích giảng thuyết Kinh này, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi.

Văn Thù Sư Lợi bảo các Tỳ Kheo: Các Hiền Giả muốn đi đâu?

Các Tỳ Kheo trả lời Văn Thù Sư Lợi: Chúng tôi không hiểu pháp này, chỉ dạy chỗ trở về ở đâu?

Khi ấy, Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Này các Hiền Giả! Lành thay! Nên vì việc này thưa lại Đức Phật về ý nghĩa này. Chỉ đợi một lát, ta sẽ hỏi Như Lai Chí Chân, vì sao mà thuyết như vậy. Khi các Tỳ Kheo nghe Xá Lợi Phất nói vậy liền ngồi lại chỗ cũ.

Lúc ấy, Xá Lợi Phất đến trước Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai tuyên thuyết như vậy, khiến cho các Tỳ Kheo ôm lòng do dự. Nguyện xin Thế Tôn rủ lòng thương xót giảng thuyết để giải quyết lưới nghi.

Đức Phật liền bảo Xá Lợi Phất: Ý ông nghĩ sao?

Nếu có Tỳ Kheo tâm đã diệt sạch các lậu giải thoát không còn phiền não thì nghe lời dạy này mà còn ôm lòng nghi ngờ, kinh sợ chăng?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Nếu có Tỳ Kheo thực hành bốn Thánh Đế ở trong tất cả âm thanh, các lời nói không kinh không sợ, không nghi ngờ. Huống nữa là Tỳ Kheo tâm đã diệt sạch các lậu, giải thoát không còn phiền não trói buộc, nghi ngờ, lo sợ.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu có người ngu si, tâm ý tối tăm chưa từng gặp được pháp, mà thường vọng tưởng được hạnh hư không.

Khi ấy, Xá Lợi Phất thưa hỏi Đức Phật: Nguyện xin Đức Thế Tôn, giảng thuyết lại nghĩa lý, câu, văn của Kinh này khiến trong chúng hội diệt trừ nghi ngờ, tâm được thanh thản.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu người thấy Như Lai trong mộng thì nhìn kỹ thấy hình người thật chăng. Sự thấy Như Lai ở trong mộng thì chẳng phải chân thật, không phải vững chắc, đều do tư tưởng chấp vào đối tượng suy tưởng thấy không có tưởng hữu, không có tưởng hòa hợp.

Đã không có sở hữu thì hiểu rõ Như Lai không có tưởng phân biệt, không có tưởng tỉ mỉ, không có tưởng về hoài tưởng, không có tưởng hòa hợp, không có sở hữu thì hiểu rõ tất cả chúng sinh vạn vật đều là hư dối, không thấy chân thật, liền có thể hiểu rõ các pháp đều là mê hoặc điên đảo, hổn loạn, đã hiểu biết các pháp mê hoặc.

Cho nên Như Lai tuyên thuyết hoàn toàn là kiến mê hoặc, đã nhận rõ các pháp đều là tà kiến thì không thuận theo sáu mươi hai kiến chấp của tà kiến mê hoặc. Vì thế, Xá Lợi Phất muốn thấy Như Lai Chí Chân thì rơi vào tà kiến.

Cho nên, này Xá Lợi Phất! Như Lai đã thuyết như vậy. Nếu ai muốn thấy thân của Như Lai đều rơi vào tà kiến, trừ kiến, văn, tưởng thấy, nghe, suy nghĩ, vì thấy Như Lai cho là không tà kiến.

Khi ấy, Xá Lợi Phất thưa hỏi: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Thế Tôn khiến cho những người tà kiến hội nhập vào chánh kiến?

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Tất cả kẻ phàm phu tối tăm đối với các vọng tưởng mới cho rằng thích hợp hay không thích hợp. Do vậy, phát khởi bám víu vào kiến chấp nên đối với việc này không thể tin tưởng.

Nên biết, không có chỗ kiến lập nên tinh tấn, giải đãi hoặc giống nhau hay không giống nhau. Nếu tự thấy có nhân, ngã, chúng sinh thọ mạng, tức nương bám vào ta mà tham chấp nơi ngã rồi sinh ra hiểu biết phân biệt.

Cũng giống như khi thấy, nghe, nhớ, biết các ảnh tượng muôn màu rồi sinh tâm vui vẻ nhưng lại nói tất cả đều không có. Tuy nhiên, từ chỗ có mà suy luận là không có như thế thì dễ tạo điều kiện cho các pháp phát sinh.

Rồi nương vào đó suy luận ra không có các pháp phát sinh cho nên thành là hư vọng. Ngay cả lời nói chân thật cũng không có. Kẻ hư vọng này chắc hẳn phải biết rõ. Do vì nói kia và đây không giống nhau, không có hình tượng nên gọi đó là tà kiến.

***