Kinh Đại thừa
Bộ Kinh Tập
PHẬT THUYẾT KINH
VÔ LƯỢNG THỌ ƯU BA ĐỀ XÁ
NGUYỆN SANH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
Con nhất tâm đảnh lễ Thế Tôn,
Quy mạng Chư Phật khắp mười phương,
Cùng Đức Như Lai vô Ngại Quang,
Nguyện sinh đến Quốc Độ An Lạc.
Con thường dựa vào Tu Đa La,
Tướng công đức vô cùng chân thật,
Nói bài kệ phát nguyện tổng trì,
Tương ưng với lời Đức Phật dạy.
Quán tưởng về tướng Thế Giới kia,
Thù thắng vượt qua đường ba cõi,
Cứu cánh giống như bầu hư không,
Rộng lớn không có gì giới hạn.
Chánh đạo chan chứa đại từ bi,
Sinh ra căn thiện xuất thế gian,
Đầy đủ ánh sáng thật thanh tịnh,
Như mặt trời, mặt trăng soi chiếu.
Có đủ các tánh mọi châu báu,
Đầy đủ trang nghiêm thật diệu kỳ,
Ánh sáng trong lành soi rực rỡ,
Thanh tịnh rạng ngời tỏa thế gian.
Cỏ công đức đủ tánh quý báu,
Mềm mại xoay tròn cả hai bên,
Chạm vào sinh mềm vui tốt đẹp,
Hơn hẳn cả Ca Chiên Lân Đà.
Hoa quý báu có ngàn vạn loại,
Khắp nơi hồ trong dòng suối chảy,
Gió nhẹ thoảng rung rinh hóa lá,
Ánh sáng xen nhau tỏa lung linh.
Những lầu đài cung điện uy nghiêm,
Nhìn khắp mười phương không ngăn ngại,
Cây nhiều loại sắc màu kỳ lạ,
Lan can báu vây tròn khắp nơi.
Vô lượng thứ báu đan xen nhau,
Lưới giăng rực rỡ khắp hư không,
Đủ loại chuông rung phát tiếng vang,
Thuyết ra pháp âm thật diệu kỳ.
Mưa hoa trang nghiêm trên y phục,
Vô lượng hương thơm tỏa khắp nơi,
Mặt trời Phật tuệ sáng trong lành,
Xua tan si ám thế gian.
Tiếng phạm tỏ ngộ thật sâu xa,
Mười phương nghe thấy pháp vi diệu,
Từ Bậc Chánh Giác A Di Đà,
Đấng Pháp Vương khéo léo trú trì.
Những đóa hoa Như Lai thanh tịnh,
Hóa sinh từ đóa hoa Chánh Giác,
Yêu quý vui với vị Phật Pháp,
Dùng thiền tam muội làm thức ăn.
Lìa hẳn phiền não của thân tâm,
Cảm nhận niềm vui thường không dứt,
Cảnh giới thiện căn của đại thừa,
Bình đẳng không có tên chê trách.
Người nữ và người thiếu các căn,
Chủng tánh nhị thừa không sinh khởi,
Chúng sanh nào nguyện được vui sướng,
Tất cả luôn luôn được thỏa mãn.
Vì vậy con nguyện được vãng sinh,
Quốc Độ của Phật A Di Đà.
Vua có nhiều châu báu vô lượng,
Đài hoa thanh tịnh thật vi diệu,
Tướng tốt sáng ngời chiếu rực rỡ,
Sắc tướng vượt lên trên quần sinh.
Âm thanh vi diệu của Như Lai,
Phạm hưởng ngân vang khắp mười phương,
Giống như đất nước và lửa gió,
Hư không bao la nào phân biệt.
Chúng trời người an trú bất động,
Sinh ra từ biểu trí thanh tịnh,
Giống như núi chúa Đại Tu Di,
Thù thắng vi diệu không gì hơn.
Chúng trời người luôn luôn quy tụ,
Cung kính vây quanh được chiêm ngưỡng,
Quán tưởng lực bổn nguyện của Phật,
Gặp được không có gì hư huyễn.
Luôn luôn khiến mau chóng đầy đủ,
Biển công đức có nhiều châu báu,
Quốc Độ An Lạc thật thanh tịnh,
Thường chuyển vận pháp luân vô cấu.
Mặt trời Hóa Phật trên Bồ Tát,
Như núi chúa Tu Di trú trì,
Sáng ngời trang nghiêm thường thanh tịnh,
Một niệm cho đến trong một lúc.
Soi chiếu khắp chúng hội Chư Phật,
Làm lợi ích cho mọi chúng sanh,
Trời trỗi nhạc tung hoa y phục,
Hương thơm vi diệu cùng cúng dường.
Ca ngợi các công đức của Phật,
Tâm không còn có gì phân biệt,
Những Thế Giới nào không có được,
Công đức quý báu của Phật Pháp,
Con đều phát nguyện được vãng sinh,
Nêu rõ Phật Pháp như Đức Phật,
Con làm luận nói ra bài kệ,
Nguyện được thấy Phật A Di Đà,
Cùng với tất cả mọi chúng sanh,
Được vãng sinh Quốc Độ An Lạc.
Con dùng kệ để nói tổng quát về chương cú của kinh Vô Lượng Thọ xong.
Luận: Bài kệ nguyện trình bày nghĩa gì?
Là quán sát Thế Giới An Lạc, trông thấy Đức Phật A Di Đà, cho nên nguyện sinh về Quốc Độ ấy.
Quán sát như thế nào?
Làm thế nào phát sinh lòng tin?
Nếu người Thiện Nam người thiện nữ nào tu tập thành tựu năm pháp môn nghĩ nhớ, thì cuối cùng được sinh về Quốc Độ An Lạc, được thấy Đức Phật A Di Đà.
Những gì là năm pháp môn nghĩ nhớ?
Đó là:
Môn lễ bái.
Môn tán thán.
Môn phát nguyện.
Môn quán sát.
Môn hồi hướng.
Lễ bái là gì?
Là nghiệp thân lễ bái Phật A Di Đà Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, với ý nguyện là được sinh về Quốc Độ của Ngài.
Tán thán thế nào?
Là nghiệp miệng ca ngợi bằng cách xưng niệm danh hiệu của Đức Như Lai giống như đức tướng trí tuệhào quang của Đức Như Lai, như danh nghĩa đó mong muốn tu hành tương ưng đúng như thật.
Thế nào là phát nguyện?
Là tâm thường phát nguyện, một lòng chuyên chú nhớ nghĩ danh hiệu Đức Phật A Di Đà, cuối cùng được vãng sinh về Quốc Độ An Lạc, mong muốn tu hành Xa ma tha chỉ đúng như thật.
Thế nào là quán sát?
Là trí tuệ quán sát, chánh niệm quán tưởng Đức Phật, mong muốn tu hành Tỳ Bà Xá Na Quán đúng như thật. Sự quán sát ấy có ba loại.
Những gì là ba loại?
Đó là:
1. Quán sát công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật.
2. Quán sát công đức trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà.
3. Quán sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát.
Thế nào là hồi hướng?
Là không xả bỏ tất cả chúng sinh khổ não, tâm thường phát nguyện hồi hướng làm đầu để thành tựu tâm đại bi dẫn dắt tiếp nhận chúng sinh, không rời bỏ tất cả thế gian.
Hỏi: Thế nào là quán sát công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật?
Đáp: Công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật là sự thành tựu do diệu lực không thể nghĩ bàn, như tính chất quý báu của ngọc ma ni như ý, vốn có pháp tương đối tựa như nhau.
Quán sát công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật, có mười bảy loại sự việc nên biết.
Thế nào là mười bảy loại?
Đó là:
1.Thành tựu công đức thanh tịnh.
2. Thành tựu công đức vô lượng.
3. Thành tựu công đức của tánh.
4. Thành tựu công đức của hình tướng.
5. Thành tựu công đức của các loại sự việc.
6. Thành tựu công đức của diệu sắc.
7. Thành tựu công đức của tiếp xúc.
8. Thành tựu công đức trang nghiêm.
9. Thành tựu công đức của mưa.
10. Thành tựu công đức của ánh sáng.
11. Thành tựu công đức của âm thanh.
12. Thành tựu công đức của chủ nhân.
13. Thành tựu công đức của quyến thuộc.
14. Thành tựu công đức thọ dụng.
15. Thành tựu công đức không có các nạn.
16. Thành tựu công đức của nghĩa môn vĩ đại.
17. Thành tựu tất cả công đức đã mong cầu.
Thành tựu công đức thanh tịnh, như kệ nói:
Quán tưởng về tướng Thế Giới kia,
Thù thắng vượt qua đường ba cõi.
Thành tựu công đức vô lượng, như kệ nói:
Cứu cánh giống như bầu hư không,
Rộng lớn không có gì giới hạn.
Thành tựu công đức của tánh, như kệ nói:
Chánh đạo chan chứa đại từ bi
Sinh ra căn thiện xuất thế gian.
Thành tựu công đức của hình tướng như kệ nói:
Đầy đủ ánh sáng thật thanh tịnh,
Như mặt trời mặt trăng soi chiếu.
Thành tựu công đức của các loại sự việc, như kệ nói:
Có đủ các tánh mọi châu báu,
Đầy đủ trang nghiêm thật diệu kỳ.
Thành tựu công đức của diệu sắc, như kệ nói:
Ánh sáng trong lành soi rực rỡ,
Thanh tịnh rạng ngời tỏa thế gian.
Thành tựu công đức của tiếp xúc, như kệ nói:
Cỏ công đức đủ tánh quý báu,
Mềm mại xoay tròn cả hai bên,
Chạm vào sinh niềm vui tốt đẹp,
Hơn hẳn cả Ca Chiên Lân Đà.
Thành tựu công đức trang nghiêm. Có ba loại nên biết.
Những gì là ba loại?
Đó là:
1. Nước.
2. Đất.
3. Hư không.
Nước trang nghiêm, như kệ nói:
Hoa quý báu có ngàn vạn loại,
Khắp nơi hồ trong dòng suối chảy,
Gió nhẹ thoảng rung rinh hoa lá,
Ánh sáng xen nhau tỏa lung linh.
Đất trang nghiêm, như kệ nói:
Những lầu đài cung điện uy nghiêm,
Nhìn khắp mười phương không ngăn ngại,
Cây nhiều loại sắc màu kỳ lạ,
Lan can báu vây tròn khắp nơi.
Hư không trang nghiêm, như kệ nói:
Vô lượng thứ báu đan xen nhau,
Lưới giăng rực rỡ khắp hư không,
Đủ loại chuông rung phát tiếng vang,
Thuyết ra pháp âm thật diệu kỳ.
Thành tựu công đức của mưa, như kệ nói:
Mưa hoa trang nghiêm trên y phục,
Vô lượng hương thơm tỏa khắp nơi.
Thành tựu công đức của ánh sáng, như kệ nói:
Mặt trời Phật tuệ sáng trong lành,
Xua tan si ám phủ thế gian.
Thành tựu công đức của âm thanh vi diệu, như kệ nói:
Tiếng Phạm tỏ ngộ thật sâu xa,
Mười phương nghe thấy pháp vi diệu.
Thành tựu công đức của chủ, như kệ nói:
Từ bậc Chánh Giác A Di Đà,
Đấng Pháp Vương khéo léo trú trì.
Thành tựu công đức của quyến thuộc, như kệ nói:
Những đóa hoa Như Lai thanh tịnh,
Hóa sinh từ đóa hoa Chánh Giác.
Thành tựu công đức thọ dụng, như kệ nói:
Yêu quý vui với vị Phật Pháp,
Dùng thiền tam muội làm thức ăn.
Thành tựu công đức không có các nạn, như kệ nói:
Lìa hẳn phiền não của thân tâm,
Cảm nhận niềm vui thường không dứt.
Thành tựu công đức của nghĩa môn vĩ đại, như kệ nói:
Cảnh giới thiện căn của đại thừa,
Bình đẳng không có tên chê trách,
Người nữ và người thiếu các căn,
Chủng tánh nhị thừa không sinh khởi.
Quả báo của Tịnh Độ xa lìa hai lỗi là chê bai ngờ vực, nên biết:
1. Thể.
2. Danh.
Thể có ba loại:
1. Người theo nhị thừa.
2. Người nữ.
3. Người các căn không đủ.
Không có ba lỗi này cho nên gọi là lìa mọi chê bai, ngờ vực về thể. Danh cũng có ba loại như thể. Chẳng những không có ba thể mà thậm chí không nghe ba loại danh từ là nhị thừa người nữ và người không có đủ các căn, cho nên gọi là xa lìa mọi chê trách ngờ vực về danh. Tất cả đều bình đẳng, bởi một tướng bình đẳng không phân biệt.
Thành tựu tất cả công đức đã mong cầu, như kệ nói:
Chúng sanh nào nguyện được vui sướng,
Tất cả luôn luôn được thỏa mãn.
Lược nói về mười bảy loại công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật A Di Đà, nêu rõ lợi ích nơi tự thân của Như Lai, với oai lực công đức vĩ đại, thành tựu lợi ích cho chúng sinh, vì mọi công đức đều thành tựu.
Nói về sự trang nghiêm nơi Quốc Độ của Đức Phật Vô Lượng Thọ là cảnh giới vi diệu của Đệ nhất nghĩa đế, gồm mười sáu câu và một câu theo thứ tự trình bày, nên biết.
Hỏi: Thế nào là quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của Phật?
Đáp: Quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của Phật thì có tám loại nên biết.
Những gì là tám loại?
Đó là:
1. Tòa ngồi trang nghiêm.
2. Thân trang nghiêm.
3. Miệng trang nghiêm.
4. Tâm trang nghiêm.
5. Chúng trang nghiêm.
6. Bậc thượng thủ trang nghiêm.
7. Chủ trang nghiêm.
8. Trụ trì trang nghiêm không hư giả.
Thế nào là tòa ngồi trang nghiêm?
Như kệ nói:
Vua có nhiều châu báu vô lượng,
Đài hoa thanh tịnh thật vi diệu.
Thế nào là thân trang nghiêm?
Như kệ nói:
Tướng tốt sáng ngời chiếu rực rỡ,
Sắc tướng vượt lên trên quần sinh.
Thế nào là miệng trang nghiêm?
Như kệ nói:
Âm thanh vi diệu của Như Lai,
Phạm hưởng ngân vang khắp mười phương.
Thế nào là tâm trang nghiêm?
Như kệ nói:
Giống như đất nước và lửa gió,
Hư không bao la nào phân biệt.
Không phân biệt là tâm không hề có phân biệt.
Thế nào là chúng trang nghiêm?
Như kệ nói:
Chúng trời người an trú bất động,
Sinh ra từ biển trí thanh tịnh.
Thế nào là bậc thượng thủ trang nghiêm?
Như kệ nói:
Giống như núi chúa Đại Tu Di,
Thù thắng vi diệu không gì hơn.
Thế nào là chủ trang nghiêm?
Như kệ nói:
Chúng trời người luôn luôn quy tụ,
Cung kính vây quanh được chiêm ngưỡng.
Thế nào là trụ trì trang nghiêm không hư giả?
Như kệ nói:
Quán tưởng lực bổn nguyện của Phật,
Gặp được không có gì hư huyễn,
Luôn luôn khiến mau chóng đầy đủ,
Biển chúng sanh có nhiều châu báu.
Tức là trông thấy được Đức Phật, Bồ Tát chưa chứng được tâm thanh tịnh, cuối cùng vẫn đạt được pháp thân bình đẳng cùng với Bồ Tát tâm thanh tịnh không khác. Bồ Tát tâm thanh tịnh cùng với các Bồ Tát ở phần vị trên, cuối cùng đạt được trạng thái tịch diệt bình đẳng.
Nói tóm lược có tám câu, nêu rõ việc làm lợi mình lợi người cùng công đức trang nghiêm của Đức Như Lai, theo thứ tự, mà thành tựu, nên biết.
Hỏi: Thế nào là quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của Bồ Tát?
Đáp: Quán sát công đức trang nghiêm thành tựu của Bồ Tát là quán sát Bồ Tát ấy có bốn loại công đức tu hành chân chánh được thành tựu, nên biết.
Những gì là bốn loại?
Đó là:
1. Thân ở nơi một Cõi Phật không hề lay động, mà thị hiện ứng hóa đủ loại khắp nơi mười phương, tu hành đúng như thật, thường xuyên làm việc Phật.
Như kệ nói:
Quốc Độ An Lạc thật thanh tịnh,
Thường chuyển vận pháp luân vô cấu,
Mặt Trời hóa Phật trên Bồ Tát,
Như núi Chúa Tu Di trú trì.
Tức là đóa hoa của các chúng sanh nở rộ giữa bùn lầy.
2. Thân ứng hóa của Bồ Tát suốt trong tất cả thời gian không trước không sau, một lòng một ý niệm phóng hào quang tỏa vĩ đại, có năng lực soi chiếu khắp tất cả mười phương Thế Giới, dùng mọi phương tiện tu hành giáo hóa chúng sinh, diệt trừ tất cả khổ đau cho tất cả chúng sinh.
Như kệ nói:
Sáng ngời trang nghiêm thường thanh tịnh,
Một niệm cho đến trong một lúc,
Soi chiếu khắp chúng hội Chư Phật,
Làm lợi ích cho mọi chúng sanh.
3. Bồ Tát kia, đối với tất cả Thế Giới không để sót, chiếu ánh sáng đến đại chúng trong pháp hội của Chư Phật không để sót, cung kính cúng dường ca ngợi Chư Phật Như Lai khắp mười phương Thế Giới.
Như kệ nói:
Trời trỗi nhạc tung hoa y phục,
Hương thơm vi diệu cùng cúng dường,
Ca ngợi các công đức của Phật,
Tâm không còn có gì phân biệt.
4. Bồ Tát đối với tất cả Thế Giới trong mười phương, nơi nào không có Tam Bảo thì đến đó trú trì, trang nghiêm biển cả công đức của Phật Pháp Tăng Bảo, chỉ dạy tất cả khiến cho chúng sinh hiểu và tu hành đúng như thật.
Như kệ nói:
Những Thế Giới nào không có được,
Công đức quý báu của Phật Pháp,
Con đều phát nguyện được vãng sinh,
Nêu rõ Phật Pháp như Đức Phật.
Lại nữa, đã nói đến thành tựu công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Phật, thành tựu công đức trang nghiêm của Phật, thành tựu công đức trang nghiêm của Bồ Tát, dùng ba sự thành tựu này, nguyện trang nghiêm cho tâm.
Lược nói về hiểu trọn một câu pháp. Một câu pháp, nghĩa là câu thanh tịnh. Câu thanh tịnh, nghĩa là trí tuệ chân thật và pháp thân vô vi.
Sự thanh tịnh này có hai loại, nên biết.
Những gì là hai loại?
Đó là:
1. Khí thế gian thanh tịnh.
2. Thế gian của chúng sinh thanh tịnh.
Khí thế gian thanh tịnh, tức là trước đây nói đến mười bảy loại thành tựu về công đức trang nghiêm nơi Quốc Độ của Phật, đó gọi là khí thế gian thanh tịnh.
Thế gian của chúng sinh thanh tịnh, tức là trước đây nói đến tám laọi thành tựu về công đức trang nghiêm của Phật, bốn loại thành tựu về công đức trang nghiêm của Bồ Tát. Đó gọi là thế gian của chúng sinh thanh tịnh.
Như vậy một câu pháp thâu nhiếp cả hai loại thanh tịnh, nên biết. Như vậy, Bồ Tát tu hành rộng và lược đối với Xa ma tha chỉ, Tỳ bà xá na quán, thành tựu tâm mềm mỏng, biết đúng như thật về các pháp rộng và lược.
Như vậy đều là thành tựu phương tiện hồi hướng thiện xảo.
Phương tiện hồi hướng thiện xảo của Bồ Tát, tức là gì?
Phương tiện hồi hướng thiện xảo của Bồ Tát tức nói về năm cách tu hành như lễ bái…. Đã tập hợp tất cả căn thiện công đức, không mong cầu tự thân được An Lạc vững chắc, mà chỉ mong bạt trừ đau khổ cho tất cả chúng sanh, phát ra thệ nguyện nhiếp thủ tất cả chúng sinh để cùng được sinh về Tịnh Độ An Lạc của Phật. Đây gọi là Bồ Tát thành tựu phương tiện hồi hướng thiện xảo.
Như vậy Bồ Tát khéo léo biết rõ sự thành tựu hồi hướng, xa lìa ba loại pháp trái ngược nhau của môn bồ đề.
Những gì là ba loại?
Đó là:
1. Dựa vào môn trí tuệ, không mong cầu an vui cho mình, từ bỏ tâm chấp ngã và sự tham đắm của tự thân.
2. Dựa vào môn từ bi, cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não, xua tan tâm không an lành của họ.
3. Dựa vào môn phương tiện khởi tâm thương xót tất cả chúng sinh, xa lìa tâm cung kính cúng dường đối với tự thân. Đây gọi là xa lìa ba pháp trái ngược nhau của môn bồ đề, Bồ Tát xa lìa ba loại pháp trái ngược nhau của môn bồ đề như vậy, đạt được đầy đủ ba loại tùy thuận với môn bồ đề.
Những gì là ba loại?
Đó là:
1. Tâm thanh tịnh không cấu nhiễm, bởi vì không mong cầu những điều vui sướng cho chính mình.
2. Tâm thanh tịnh yên ổn, bởi vì bạt trừ khổ não cho tất cả chúng sanh.
3. Tâm thanh tịnh An Lạc, bởi vì khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được đại bồ đề, trở lại nhiếp thủ chúng sinh sinh về nơi Quốc Độ Cực Lạc. Đây gọi là đầy đủ ba loại pháp tùy thuận với môn bồ đề, nên biết.
Trước đây nói về ba môn trí tuệ từ bi phương tiện nhiếp thủ bát nhã. Bát nhã nhiếp thủ phương tiện, nên biết.
Trước đây nói xa lìa tâm chấp ngã không tham đắm đối với thân mình, xa lìa tâm không an lành của chúng sinh, xa lìa tâm cung kính cúng dường đối với tự thân. Ba loại pháp này xa lìa sự chướng ngại cho tâm bồ đề, nên biết.
Trước đây đã nói đến tâm thanh tịnh không nhiễm, tâm thanh tịnh yên ổn và tâm thanh tịnh an lạc. Ba loại tâm này nói chung là cùng một nơi thành tựu tâm chân thật thù thắng an lạc, nên biết.
Như vậy Bồ Tát dùng tâm trí tuệ, tâm phương tiện, tâm không chướng ngại và tâm chân thật, có thể sinh về Quốc Độ thanh tịnh của Phật thanh tịnh, nên biết. Đó gọi là Đại Bồ Tát tùy thuận năm loại pháp môn, mọi công việc đã làm đều tùy ý thành tựu tự tại. Như trước đã nói đến nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý, nghiệp trí, nghiệp trí phương tiện, là pháp môn tùy thuận.
Lại có năm loại pháp môn lần lượt thành tựu năm loại công đức, nên biết.
Những gì là năm loại?
Đó là:
1. Môn thân cận.
2. Môn đại hội chúng.
3. Môn phát nguyện.
4. Môn quán tưởng.
5. Môn tùy ý thị hiện.
Trong năm loại môn này, bốn môn đầu là thành tựu công đức tiến vào môn thứ năm là thành tựu công đức phát ra.
Tiến vào môn thứ nhất, là dùng sự lễ bái Đức Phật A Di Đà làm nhân tố sinh đến Quốc Độ ấy, được sinh về Thế Giới An Lạc. Đó gọi là tiến vào môn thứ nhất.
Tiến vào môn thứ hai, nhờ tán thán Đức Phật A Di Đà, tùy thuận danh nghĩa, xưng niệm danh hiệu của Như Lai, nương vào hào quang của Đức Như Lai, biết lựa chọn pháp môn để tu hành, cho nên được tiến vào nhiều hội chúng to lớn. Đó gọi là tiến vào môn thứ hai.
Tiến vào môn thứ ba, vì một lòng chuyên chú nhớ nghĩ danh hiệu Đức Phật A Di Đà và phát nguyện được sinh về Quốc Độ Cực Lạc, nhờ tu tập pháp Xa ma tha thực hành tam muội tịch tĩnh, cho nên được tiến vào Thế Giới Liên Hoa Tạng. Đây gọi là tiến vào môn thứ ba.
Tiến vào môn thứ tư, do chuyên tâm nhớ nghĩ và quán sát cảnh giới trang nghiêm mầu nhiệm của Thế Giới An Lạc, do tu tập Tỳ bát xá na, cho nên đến được xứ sở đó tùy ý thọ dụng các loại pháp vị An Lạc. Đó gọi là tiến vào môn thứ tư.
Môn xuất thứ năm là dùng tâm đại từ bi quán sát tất cả chúng sinh đang sống trong cảnh khổ não, thị hiện thân ứng hóa trở lại đi vào trong vườn sinh tử rừng phiền não, vận dụng thần thông diệu dụng tự tại, đến mọi nơi để giáo hóa, dùng sức mạnh của bản nguyện để hồi hướng. Đây gọi là phát ra môn thứ năm.
Bồ Tát tiến vào bốn loại môn, làm lợi ích cho mình được thành tựu, nên biết. Bồ Tát phát ra môn thứ năm chính là Bồ Tát thành tựu việc làm lợi ích cho chúng sinh cùng với hồi hướng, nên biết.
Bồ Tát đã tu tập năm pháp môn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh và cho mình như vậy nhanh chóng chứng được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
***