Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN BỐN
 

Thanh tịnh nên không vật

Không tên, không thanh tịnh

Mắt thanh tịnh như vậy

Thanh tịnh không chỗ thấy.

Ảnh hiện có, không có

Không có cũng lại không

Không ấy ở trong không

Nơi các thứ phiền não.

Hiện không, vị lai không

Hoặc nam hay là nữ

Nay không, vị lai không

Chúng giống như hư không.

Không suy nghĩ, phân biệt

Nếu biết được như thế

Thì không còn tham đắm

Lìa các thân trụ chấp.

Dốc cầu pháp Chư Phật

Như hư không vô biên

Không có chốn để trụ

Không trụ, không duyên dựa.

Tùy ý mà đi lại

Như bậc Đại Bồ Tát

Nên biết phương tiện này

Không tham vướng ba cõi.

Nên hành hạnh bồ đề

Tâm cùng với thân miệng

Thường làm vì chúng sinh

Không biết thể hư không.

Giống như việc ép dầu

Khi thấy họ đang làm

Không ở nơi biên vực

Khiến trú pháp bất động.

Chẳng trụ ở chốn nào

Luôn luon thấy chúng sinh

Chịu bao nhiêu thống khổ

Mà khởi tâm thương xót.

Nên hành hạnh bồ đề

Nói rõ cho chúng sinh

Tướng chân như như thật

Khiến lìa nẻo hữu vi.

Giác ngộ chỗ chân thật

Điên đảo nên không trí

Không bền cho la bền

Trong thân tướng không bền.

Người ngu si tham đắm

Thân này luôn chuyển thay

Nhờ ăn uống, trao đổi

Chẳng vì mình, vì người.

Hư vọng, chịu mệt mỏi

Lúc tiếp cận với lạc

Cũng không nhớ ân đức

Không ân, niệm suy kém.

Phải nên mau xả bỏ

Khổ đau trong sinh tử

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Trong sinh tử nhiều dục

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Sinh tử thọ dục lạc

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Sinh tử nhiều hỷ lạc

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Nương theo nơi thân này

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Lưu chuyển trong sinh tử

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Vị lai không thủ đắc

Mê muội trong sinh tử

Nơi chốn không ben bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Khiến thân này thọ lạc

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Khiến thân này thọ khổ

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Nuôi dưỡng nơi thân này

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Thân này khởi ngã sở

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Ái duc cùng lưu chuyển

Nơi chốn không bến bờ

Nay cũng chẳng thủ đắc.

Đương lai không thủ đắc

Như không thật, không vật

Điên đảo luôn dối lừa

Mê lầm pháp hữu vi.

Đời ngu, dối như thế

Như trẻ con khờ khạo

Bị kẻ khác dối lưa

Ngu, không trí như vậy.

Bị việc giả lừa dối

Ngu tối không thật biết

Vì không biết, không thật

Nên thọ khổ hư vọng.

Ý si khởi tưởng độc

Tự nhiên nơi thân mình

Tự nhiên, tự hợp khổ

Cũng như làm việc ác.

Sau tự nhận hình phạt

Tâm nghĩ rồi mới nói

Thân tạo việc chẳng thiện

Suy xét không thật có.

Nói năng cũng không thật

Âm thanh không quá khứ

Quá khứ cũng lại không

Quá khứ ta đâu nói?

Cũng không có thật tướng

Nếu biết rõ như thế

Thân tâm xúc như vậy

Tức giới hạnh đầy đủ.

Không sinh các cõi ác

Bốn loại kệ nơi đây

Xưa đã tạo mười ức

Từ xưa trong các đời.

Cầu bồ đề thù thắng

Ta nghe các kệ này

Chưa từng đọa các ác

Sẽ được gặp Chư Phật.

Bậc hùng trong loài người

Lần lượt trong quá khứ

Ta gặp Phật Nhiên Đăng

Được gặp gỡ như thế.

Nên sau được thọ ký

Vì chúng sinh thuyết pháp

Đời sau trụ trí Phật

Ta không còn chấp giữ.

Kẻ ngu không thọ giáo

Các chúng sinh căn độn

Mù tối không trí tuệ

Diệt hết nhân duyên khổ.

Trao truyền, chẳng muốn nhận

Vô trí không thọ lãnh

Chúng sinh ưa pháp nhỏ

Không chọn lấy pháp lớn.

Nếu được vui thế gian

Và giải thoát thế gian

Luôn sinh mắt thế gian

Trao truyền mà không nhận.

Được nghe kệ này rồi

Hoặc đã trụ như thế

Ở đời không phân biệt

Ta ở trong thế gian.

Tịch tĩnh không đắm vướng

Nên thoát khỏi các khổ

Được an vui bất động.

Bấy giờ, trong chúng hội có vị chưa điều phục, oán thù hại người, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, suy nghĩ như thế này: Ta nên dùng vật gì để cúng dường Đức Thế Tôn?

Ngài là bậc đầy đủ pháp thân không thể dùng một ít phẩm vật để cúng dường. Như Lai là bậc đức lớn đầy đủ pháp thân, còn ta thì ở trong thế gian có nhiều tối tăm, chướng ngại.

Nay gặp Thế Tôn và nghe pháp chính yếu của Ngài giải thích cho Bồ Tát Vô Sở Hữu, ta không còn chướng ngại đối với tất cả pháp, đã dứt trừ tăm tối, chiếu sáng nơi thế gian, tự thấy chính mình đã phát sinh thiên nhãn, đạt được năm thông, thoát khỏi các thứ khổ não, thấy y phục mình đang mặc đều có máu bẩn.

Nếu ta đem y phục này dâng phủ lên trên chỗ Đức Thế Tôn, chỉ sợ không xứng đáng với sự thọ nhận của Đức Như Lai, cúi xin oai thần của Phật khiến cho con lại có được phẩm vật cúng dường tối thắng, vì cúng dường Đức Thế Tôn phải nên dùng phẩm vật như vậy. Pháp thân với đức lớn và tối thắng của Ngài, chúng sinh khó đạt được đầy đủ.

Kẻ có tâm xấu ác, khó điều phục, thù oán hại người ấy, khởi nguyện như vậy: Ta muốn tin tưởng vào thần thông đức lớn của Như Lai. Đương khi suy nghĩ thì trong tay trái tự nhiên có một hộp hoa Trời, mềm mại, tươi tốt hơn các loại hoa của Chư Thiên.

Còn nơi tay phải thì tỏa ra các loại hương trầm thơm ngát, tự nhiên lại có các y phục trên, dưới đều đầy đủ, nên vô cùng vui mừng hớn hở, nên càng cầu tin vào thần thông đức lớn của Chư Phật. Khi ấy, người này liền thấy Chư Phật nơi vô lượng Thế Giới khắp mười phương đều phóng ra ánh sáng.

Lúc này, vị ấy lại suy nghĩ: Ôi! Chư Phật thật không thể nghĩ bàn! Thần thông đức lớn thật không thể lường tính, không gì sánh bằng. Nguyện cho các chúng sinh tin vào đức lớn của Chư Phật.

Sau khi tự thân tiếp xúc hạnh nguyện đều đạt được, vị ấy liền đem y thượng y hạ dâng phủ lên trên Đức Phật, lại dùng thiên hoa tung lên chỗ Phật ba lần, cành trên cành dưới biến thành lọng hoa ở giữa hư không. Tự nhiên nơi vị ấy lại sinh thêm một hộp hoa, lại cũng sinh thêm y thượng y hạ đầy đủ nơi thân, nên vị ấy càng vui mừng khôn xiết.

Bèn suy nghĩ: Nếu Phật cho phép ta dùng hoa này dâng lên vô lượng Đức Phật và đem các thứ y phục này tung phủ lên Chư Phật để cúng dường, cho ta sinh niềm tin, xin Chư Phật Thế Tôn chớ khiến ta có ý hối tiếc mà sự bố thí không thành tựu.

Liền nghe trong không trung có tiếng nói:

Này thiện nam! Ông nên dâng cúng tất cả cac Đức Như Lai.

Này thiện nam! Hết thảy Chư Phật đều đồng một pháp thân. Chư Phật, Thế Tôn đối với các pháp, đối với các vật, không hề có tâm ganh ghét.

Này thiện nam! Chư Phật, Thế Tôn thọ dụng phước báo, đối với các vật không hề tham đắm.

Vị ấy lại nghĩ: Nay Đức Thế Tôn đã chấp thuận rồi! Tức thì đem các thứ hoa và y phục từ xa tung lên dâng cúng vô lượng Chư Phật, Thế Tôn, thấy các hoa ấy ở phía trên Chư Phật tạo thành lọng hoa trụ giữa hư không, còn y thì ở phía trước Chư Phật, nên vô cùng vui mừng sung sướng, đảnh lễ nơi chân và hôn vào chân Đức Thế Tôn. Vị ấy lại thấy tự thân mình đảnh lễ Chư Phật và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Bấy giờ, chư Thế Tôn và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều dùng tay phải xoa lên đâu ông ta và nói: Này thiện nam! Ông nay đã được vô lượng phước báo.

Vị ấy bèn đứng dậy, chỉ còn thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, liền thưa: Bạch Thế Tôn! Vô lượng Chư Phật Thế Tôn nay ở nơi nào mà con không thấy?

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Đây là pháp thân, đức lớn của Chư Phật, đầy đủ sự mầu nhiệm vô sở đắc ông nên tin như vậy.

Người ấy lại nghĩ: Ôi! Chư Phật thật không thể nghĩ bàn! Có sắc tướng như vậy để thấy được thể của pháp rộng lớn.

Liền đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh theo hướng bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên, chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con là kẻ có tâm xấu ác, khó điều phục, ôm lòng thù oán hại người, cúi xin Thế Tôn khiến cho chúng hội ở đây biết rõ những điều con đã làm.

Bạch Thế Tôn! Vì những chúng sinh này nên con xin nói rõ như vậy. Các vị nghe rồi tất sẽ lìa bỏ mọi sự xấu ác như thế. Như con trước đây là kẻ độc ác, hung dữ, nên các chúng sinh trông thấy liền sợ hãi bỏ chạy.

Bạch Thế Tôn! Sáng sớm nay con đã giết hại mười người đàn ông, gom họ lại một chỗ, rồi dùng răng cắn sâu vào cổ để hút máu.

Bạch Thế Tôn! Khi ấy, con bị say máu người, tâm ác càng tăng, lại muốn tìm người để sát hại. Nhưng trong lúc tìm kiếm ở thành Vương Xá, con đi dần về hướng Đông Bắc, thấy trong phía thành ấy có nhiều người đi bộ trên đường, con liền từ xa vội quay mặt đứng tránh, vì sợ họ trông thấy con thì kinh hãi mà bỏ chạy.

Bạch Thế Tôn! Lúc này mọi người ra khỏi thành đều cùng đi đến núi Tỳ Phú La. Sau khi lên nui, con lại thấy có vô số trăm ngàn Chư Thiên hiện diện cùng khắp mọi nơi.

Bạch Thế Tôn! Khi ấy con không thấy một ai có thể sánh với ánh sáng, công đức, hình sắc, thân tướng nơi Đức Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn! Con tự thấy thân mình thật là ti tiện, hết sức dơ bẩn, xấu ác, hèn kém, chẳng ra gì cả, tự chê trách mình với đời sống xấu ác thật không lợi ích gì đối với mọi người. Con là kẻ hạ tiện, xấu ác, dơ bẩn nhất, hung dữ nhất, chẳng ai bằng.

***