Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn ngụ trong núi Tỳ Phú La thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo trăm ngàn người vân tập đông đủ.

Lại có trăm ngàn các chúng Bồ Tát, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… còn có các Thiên Tử nơi Cõi Dục, các Thiên Tử nơi Cõi Trời Tịnh Cư thuộc Cõi Sắc… trước sau vây quanh Đức Phật để nghe pháp.

Khi ấy, ở trong chúng hội có Bồ Tát tên là Vô Sở Hữu, quan sát thấy tâm của những Bồ Tát ở đây còn nhiều nghi hoặc. Người thì ăn năn về việc ác mình đã làm, người thì ở trong chỗ điên đảo, người thì bị chướng ngại về nghiệp, người bị chướng ngại nơi pháp và các chúng sinh bị nhiều chướng ngại ngăn che nên không thể hỏi Phật.

Bồ Tát Vô Sở Hữu vì muốn làm thanh tịnh mọi nghiệp chướng cho các chúng sinh nên định hỏi Phật. Bồ Tát lại quán xét trong các chúng ở đây có nhiều Bồ Tát muốn sám hối những lỗi lầm của mình đã tạo, mà trong tâm còn nhiều phiền muộn, nên không thể nghe pháp. Lại thấy các Bồ Tát do tâm còn nhiều lo sợ, hối hận, nên càng không thể nhất tâm lãnh hội giáo pháp.

Cũng thấy ro tâm hành của các vị ấy có nhiều phiền não, ưu tư, uế tạp về các sự khổ của sinh, lão, bệnh, tử, sự khổ do oán ghét phải gặp nhau, thương yêu mà phải xa lìa.

Những người như vậy đang muốn thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nhưng bị vô số trói buộc như thế thì làm sao ở trong vô lượng kiếp tu tập hạnh Bồ Tát?

Đã bị trói buộc thì làm sao có thể giải thoát cho các chúng sinh?

Bồ Tát Vô Sở Hữu quán xét như vậy xong, liền suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn cho phép ta được thỉnh vấn, để cho tất cả chúng sinh trong pháp hội này, đã tạo các việc ác, đã nghi hoặc, sinh hối hận, khiến họ được xa lìa.

Lúc này, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Đại Bồ Tát Vô Sở Hữu cùng các vị Bồ Tát hiện có, liền bảo Đại Bồ Tát Vô Sở Hữu: Này Bồ Tát Vô Sở Hữu! Như Lai cũng không vì các Bồ Tát mà giảng nói về chốn có cấu nhiễm, có tham chấp, có trói buộc, có hệ lụy, có sai phạm và nơi chốn sai phạm.

Vì sao?

Vì tất cả nơi chốn tham đắm, nơi chốn cấu nhiễm, nơi chốn trói buộc, nơi chốn chướng ngại, nơi chốn phạm tội, Bồ Tát đều đã siêu vượt lìa xa các tướng của chúng, hành không hòa hợp, các pháp không xen lẫn vì không thể nắm bắt, nên chứng đắc đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như vậy, tất cả các pháp đều không bị trói buộc, đắm nhiễm, chấp trước, hệ lụy, sai phạm và thủ đắc, do đấy nên thanh tựu Nhất thiết chủng trí.

Này thiện nam! Chốn phát tâm của Nhất thiết chủng trí, chúng sinh không thể chứng đạt, ở trong nơi chốn ấy không có pháp nào có thể bị trói buộc, bị cấu nhiễm, bị đắm chấp, bị hệ lụy, bị chướng ngại, bị sai phạm, có thể đạt được và nhận biết về nơi chốn.

Này Vô Sở Hữu! Ông nên vì các Bồ Tát mà thưa hỏi. Như các vị Đại Bồ Tát không hề mệt mỏi, không hề uế trược, không hề đắm chấp, không bị trói buộc, không bị chướng ngại, như hư không, xa lìa tưởng chấp về hư không, dứt mọi chướng, nghi nên sớm thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng và mở bày làm sáng tỏ chánh pháp ở mọi nơi.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Sở Hữu được Đức Như Lai gia hộ, chỉ dạy về việc thỉnh vấn và dùng trí lực nơi tự thân mình, do ở nhiều trú xứ của Phật đã vun trồng các căn lành, nên đối với Trí tuệ Ba La Mật không còn nghi hoặc, Bồ Tát liền ẩn thân không hiện.

Bồ Tát hoàn toàn không tham đắm, mà nhằm để giáo hóa các vị Bồ Tát kia nên hiển bày các thứ phước đức, lại vì các chúng sinh tâm tham đắm, các chúng sinh do chấp giữ nên che lấp các hành nơi tướng, các chúng sinh xa lìa tri thức thiện, gần gũi với hàng tri thức xấu ác.

Đối với các Bồ Tát hiện có ở đây, Bồ Tát Vô Sở Hữu do nhận biết tất cả các pháp đều không thể nắm bắt, nhằm khiến họ không còn tham chấp mà được giác ngộ, tức thì đem vô so các loài hoa quý, hoặc các thứ hoa ở dưới nước, các loại hoa trên mặt đất, hoa làm bằng vàng bạc, tung rải khắp để cúng Phật, với tâm chí thành hoan hỷ thù thắng, vi diệu, khiến cho các chúng sinh cũng vui mừng.

Bồ Tát tán thán Đức Thế Tôn rồi dùng kệ hỏi:

Bồ Tát đến nơi đâu

Người nào là cha mẹ

Dừng nghỉ ở chốn nào

Những ai là quyến thuộc?

Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Chốn hành dũng mãnh không

Cha: Phật, mẹ: Trí tuệ

Tháp Phật là chốn trụ

Bồ Tát là quyến thuộc.

Hành sáu Ba la mật

Tâm giác là cha mẹ

Tam muội là trụ xứ

Các phước là quyến thuộc.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ này xong, tâm rất vui mừng, tùy thuan, lại dùng kệ hỏi Đức Thế Tôn:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Lấy gì làm nhân duyên

Dùng trí phương tiện nào

Pháp gì được chứng đắc

Biết rõ được những gì?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Duyên bồ đề dũng mãnh

Phương tiện độ chúng sinh

Chứng được các pháp không

Trí ấy rõ bồ đề.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong, tâm rất vui mừng, tùy thuận, lại dùng kệ tán thán Phật và hỏi:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Làm sao không đọa ác

Nơi nhà lửa đáng sợ

Bỏ tất cả cõi ác

Mau đến các cõi thiện?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Không tạo mọi tội lỗi

Vì thế bỏ đường ác

Thường thực hành chánh pháp

Nhờ vậy đến cõi thiện.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong, hết sức vui mừng, tán dương, lại dùng kệ hỏi:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Vì sao gây nhiều tội

Kẻ vô trí tạo tác

Tất cả mau dứt trừ

Diệt sạch không còn sót?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Chúng sinh cầu giải thoát

Đều phát nguyện bồ đề

Các tội đều tận diệt

Chẳng thủ đắc bồ đề.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong tâm tùy thuận, tán thán, lại dùng kệ ngợi khen và hỏi:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Duyên gì nhiễm đắm ái

Luân hồi trong khổ não

Khi thành tựu bồ đề

Đều dứt sạch tất cả?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Nơi thường, lạc, ngã, tịnh

Điên đảo chấp hư không

Đã giác ngộ chân thật

Khát ái đều dứt sạch.

Không khát ái, ngã mạn

Bình đẳng như hư không

Không trụ ở trong ngoài

Nên đạt chỗ vô đắc.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong, tâm tùy thuận, vui mừng, lại dùng kệ hỏi:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Do tạo những nghiệp gì

Chủng tử ấy là sao

Hạng có nhiều tài sản

Thường hằng không cùng tận.

Bố thí cho tất cả

Thí xả không keo kiệt

Cho đầu, thân, của cải

Thảy đều đem bố thí?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Thường đối với Tam Bảo

Cúng dường không mệt mỏi

Ai đoạn được sinh tử

Dâng cúng người trí ấy.

Khởi phát tâm bồ đề

Vì chúng sinh an lạc

Mà nêu dẫn giác ngộ

Vì họ nói thọ dụng.

Tất cả nhất thiết trí

Vì chúng sinh giảng nói

Do đó có tài vật

Không bao giờ dùng hết.

Tạo các việc như thế

Gieo hạt giống này rồi

Tất cả nơi sinh ra

Nhiều phước đức, của cải.

Thức ăn thô hoặc tế

Ăn xong tịnh như pháp

Nếu được áo quần mới

Trước nhường người, sau ta.

Cho nên sinh trong đời

Tất cả đều đầy đủ

Không cần thêm công sức

Mà của cải vô tận.

Do bố thí hoàn toàn

Mà không có keo tiếc

Đầu, mắt và tay chân

Đều đem cho hết thảy.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong, rất vui mừng tán dương, lại dùng kệ hỏi:

Nhất thiết trí vô ngại

Bậc khéo nói lời này

Con vui theo nơi đây

Lại xin hỏi Thế Tôn.

Làm sao lìa khổ não

Nơi thân, khẩu, tâm, ý

Làm sao có hình sắc

Thanh tịnh không cấu nhiễm?

Thế Tôn dùng kệ đáp:

Thọ trai giới đều đặn

Thường nói đủ về không

Biết tất cả đều không

Nhẫn chịu sự đánh mắng.

Thân khẩu cùng tâm ý

Cho nên không khổ não

Nên được sắc tối thượng

Chúng sinh đều yêu mến.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe kệ xong tâm rất vui mừng, lại dùng kệ hỏi:

Những lời rất hay đã lược nói

Tất cả vấn đề được giải bày

Làm sao cho họ chuyên tinh tấn

Ở khắp mọi nơi không lười bỏ?

Làm sao cho họ chứng các thừa

Nơi thế gian cùng xuất thế gian?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Làm việc không khiếp sợ

Nơi tâm hành phân biệt

Trí tuệ và tinh tấn

Thường có trong các đời.

Bồ Tát Vô Sở Hữu lại dùng kệ hỏi:

Bậc đầy đủ các trí

Khéo nói những lời này

Con vui theo nơi đây

Xin hỏi Đức Thế Tôn.

Làm sao đạt được trí

Quyết định trong thế gian

Làm sao có được lực

Không ai chế ngự được?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Thường hỏi pháp Chư Phật

Không hủy báng chánh pháp

Cầu phương tiện thiện xảo

Nên họ được diệu trí.

Thường thí năm mùi vị

Cho chúng sinh vô úy

Do đó họ có sức

Không ai chế ngự được.

***