Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MƯỜI BỐN
 

Tự mình và người khác

Tất cả đều biết được

Như tâm chỗ chuyển hành

Như gương soi các pháp.

Thuyết giảng về Kinh này

Đây, kia đều thấy rõ

Kia lại cùng biết đây

Tất cả không phải một.

Chẳng thấy nói khác biệt

Lìa tất cả văn, câu

Nếu ai thấy Kinh này

Vì chúng sinh thuyết giảng.

Chúng sinh không đây kia

Làm cho được giải thoát

Trụ vào nơi bất động

Biết thảy đều hư vọng.

Do hư vọng nên nói

Đã biết hư vọng rồi

Không chấp trong hư vọng

Không có chỗ sinh đạo.

Chư Phật thấy tất cả

Không điều gì không biết

Người nào hiểu Kinh này

Chỗ tạo các công đức.

Trí, chú thuật, y phương

Cùng lúc trí phát sinh

Đều giác ngộ Kinh này

Tất cả nhất thiết trí.

Hiện có chẳng thể tính

Tất cả thứ lớp ấy

Đều biết rõ Kinh này

Xả bỏ mọi kiến chấp.

Chúng sinh vốn mê lầm

Nếu hiểu được Kinh này

Không tham đắm danh tự

Chúng sinh thoát mê mờ.

Tướng kia bị che lấp

Nhờ oai lực Kinh này

Trong đó được thật chứng

Nếu học được Kinh này.

Được tất cả phước báo

Chư Thiên và cõi người

Đều đầy đủ công đức

Đây là pháp Phật dạy.

Đây tức là cha mẹ

Hòa Thượng, A Xà Lê

Cũng là tri thức thiện

Pháp thiển dục, biết đủ.

Đầy đủ hạnh Đầu Đà

Hành trang tu tập ấy

Vì chúng sinh mà làm

Như có đại chúng sinh.

Muốn giảng nhiều Kinh pháp

Phải nên học Kinh này

Học tất cả pháp xứ

Như có đại chúng sinh.

Muốn giảng nhiều Kinh pháp

Đều phải học Kinh này

Nơi giữ gìn các pháp

Nơi sinh đều đã được.

Thân ít bệnh, sống lâu

Luôn được các thiền định

Tùy thuận Kinh này rồi

Thân luôn được an lạc.

Tâm cũng được an lạc

Nếu chứng đắc Kinh này

Khẩu nghiệp đều đầy đủ

Pháp sai biệt như vậy.

Kẻ kia được tùy thuận

Nếu chứng đắc Kinh này

Tức Tổng trì các Kinh

Nếu chứng đắc như vậy.

Như trong Kinh này nói

Những người đều rõ Kinh

Chư Phật đã thuyết giảng

Các văn tự đều có.

Đã nói các pháp đó

Nếu nghe được Kinh này

Tức xa lìa văn tự

Các pháp lìa văn tự.

Dùng văn tự thuyết pháp

Văn tự không phải pháp

Văn tự không phi pháp

Người kia đối Kinh này,

Trú ở trong bồ đề

Họ cầu ở nơi đây

Bậc hiểu biết thế gian.

Sau khi nói kệ xong, Bồ Tát Lưỡng Thời Vô Hữu Xuất Sinh bèn đảnh lễ Đức Thế Tôn đi quanh theo phía bên phải ba vòng, rồi ở trước Phật liền biến mất.

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên là Vô Sở Tục, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Lưỡng Thời Vô Hữu Xuất Sinh ấy từ đâu đến?

Đức Phật nói: Từ chỗ như mà đến, cũng từ nơi như mà trở về.

Bồ Tát Vô Sở Tục hỏi: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ấy đến như thế nào?

Đi như thế nào?

Đức Phật nói: Vị ấy đến, đi như ảnh, như huyễn hóa, như mộng, như dợn nắng, như tiếng vang, như hư không. Sự đến đi ấy thuận hợp với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, lìa dục, tịch diệt, không thật, không hình tượng.

Tất cả các việc như vậy đều do phân biệt mà có đến. Nay ông cho rằng Như Lai sinh ở khắp mọi nơi, nhưng tất cả chúng sinh, tất cả Bồ Tát, tất cả Chư Phật cũng như ảnh, như mộng, như huyễn hóa, như dợn nắng, như tiếng vang, như hư không thuận hợp với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, lìa dục, tịch diệt, Niết Bàn là không thật.

Tất cả quả báo, danh tự hiện có của những vị ấy đều là chỗ tạo tác của ta. Vị ấy cùng với ta và tất cả là chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải ít, cũng chẳng phải là có vật, chẳng có thể nghe, chẳng cùng đầy đủ, không có người thấy, người nghe, người biết.

Do vậy, các ông theo ta được lãnh hội pháp này, phai nên tin hiểu, suy nghĩ, vui mừng, khen ngợi. Những vị ấy nhiều vô lượng, vô số, hành pháp không thật đều chẳng thể thủ đắc, các ông cũng chẳng thể thủ đắc. Các ông chớ dùng lời hư vọng để hủy báng ta, chê bai ta.

Ta đã không có một vật, không tướng, không có nơi chốn. Vì những thứ khác nhờ vào đó để được nêu bày nên không thể diễn đạt hơn.

Nếu có thuyết giảng thì chỉ nói: Các vị kia trở lại như kia, các vị đây cũng trở lại như đây. Mọi sự đến đi, tác động như thế nên được nêu bày như vậy.

Khi ấy, được nghe hiểu ý nghĩa của những lời dạy này rồi, đại chúng không còn tâm và sắc, không thấy hơi thở ra vào, không còn đắm nhiễm. Những vị ấy ở chỗ Đức Thế Tôn đều được đầy đủ mọi sự an lạc.

Những vị ấy đạt được niệm gốc rồi nói như vậy: Đây là thể tánh gốc chân thật, không thật có, không thể chứng đắc, không có đối tượng để phân biệt. Nhờ biết như vậy nên chúng con dứt được mọi sự phân biệt.

Đúng vậy, đúng vậy! Các vị ấy không từ đâu có, nên không thể nêu bày danh tự.

Bấy giờ, trên không trung có báu vật vô giá hiện bày đầy khắp, Bồ Tát Diệt và Bồ Tát Vô Xuất Sinh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những vật báu vô giá này hiện bày khắp cả hư không, đó là tướng lành gì?

Đức Phật nói: Này thiện nam! Có rất nhiều Bồ Tát lãnh hội pháp môn Vô sở khả chứng đạt được giải thoát này thì đều đạt pháp nhẫn vô sinh, cho nên hiện tướng lành ấy.

Khi đó, tất cả đại chúng đồng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có! Các vị Bồ Tát này đã khéo tu học trí phương tiện thiện xảo, vì nhằm để giải thoát cho tất cả chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Các vị ấy có thể nhận biết về bản thân tịch tĩnh của chúng sinh là không thật có, là không, là không động. Tuy nay Đức Thế Tôn vì các chúng sinh mà biện giải, giảng thuyết các pháp đều là như ảnh… nhưng lại dốc tâm giáo hóa, dẫn dắt muôn loài.

Đức Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này các thiện nam! Như chỗ các ông nói, nếu ta không giảng thuyết, biện giải thì chúng sinh làm sao nhận biết được các pháp là như ảnh, như mộng, như huyễn, như dợn nắng, như tiếng vang, như hư không. Là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, lìa dục, Niết Bàn cũng là pháp hư vọng như ảnh tượng…

Bấy giờ, nhờ diệu lực từ oai thần của Phật nên ở trên hư không phát ra âm thanh: Bạch Thế Tôn! Vì sao những hình ảnh kia được xem là bóng?

Bạch Thế Tôn! Vì sao những hình ảnh kia, cho đến sự hư vọng cũng chỉ là hình bóng?

Thưa Thế Tôn! Tất cả cội gốc của pháp vốn đã đầy đủ sự trang nghiêm, nên không nhờ vào sự trang nghiêm bên ngoài.

Thưa Thế Tôn! Ví như họa sư hoặc học trò của ông ta khéo vẽ hình tượng của Đức Như Lai đầy đủ các tướng tốt, lại có thợ mạ vàng giỏi, lấy vàng tốt nhất mạ lên trên mái tóc, làm cho hình tượng ấy càng tăng thêm đẹp đẽ, tất cả chúng sinh khi chiêm ngưỡng đều không thấy chán.

Thưa Thế Tôn! Như vậy, gốc của pháp như thế ấy đã có đầy đủ các tướng nên chiêm ngưỡng không thấy chán, nay lại càng tăng thêm vẻ trang nghiêm.

Lúc ấy, Phật nói với âm thanh phát ra từ hư không: Ví như vị huyễn thuật tài giỏi hoặc học trò của ông ta, khéo dùng trò huyễn thuật hóa ra một người nam và một người nữ, đều xinh đẹp, đáng kính, đầy đủ các căn. Hai người ấy hòa hợp, sinh ra một đứa con và đặt tên họ cho nó.

Tất cả sự việc ấy như ảnh tượng, như mộng, như huyễn, như dợn nắng, như tiếng vang, như hư không, không được tự tại. Đối với vô tướng, vô nguyện, vô tác, lìa dục, Niết Bàn tịch diệt thì các việc làm hư vọng đó có tăng trưởng, thành tựu.

Tất cả những việc làm đó giống như nhiều người đi vào trong hang sâu, cùng phát ra âm thanh lớn. Tiếng hô ấy giống như ảnh, như mộng, cho đến như hư không. Âm thanh đó phát ra rồi liền tan biến, không còn nên không thể nắm bắt, đắm nhiễm vào âm thanh ở nơi hang sâu kia. Khi ấy, mọi người cầu tìm nơi phát ra âm thanh đều biết rõ là chẳng thể đạt được.

Tất cả các phiền não cũng là như vậy, hết lòng tìm cầu cũng chẳng thể được, vì chúng như dợn nắng, dao động chập chờn giống như làn nước, nhưng không thể uống được. Như vậy, các pháp như tiếng vang, như dợn nắng đều không có hình tượng.

Bấy giờ, trong chúng hội những người chưa chứng được pháp, sau khi nghe những lời ấy liền được chứng pháp. Hai mươi ức na do tha hàng Chư Thiên và loài người ở trong chúng hội đều không còn tham đắm đối với tất cả các pháp.

Lúc này, từ trên hư không lại phát ra âm thanh, các chúng Trời, người đều thấy, nghe biết đấy chỉ là danh tự, như ảnh, như mộng cho đến như hư không, không thật.

Mọi người thưa hỏi về ảnh tượng huyễn hóa này đã được Đức Như Lai giải thích một cách rõ ràng, nên hai mươi ức hằng hà sa hàng Trời, người nghe xong đều được an trụ không thoái chuyển nơi quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và vì để tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh nên họ cùng chúng sinh kết bạn.

Lúc này, Bồ Tát Văn Trì bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp này nên gọi là gì, chúng con nên thọ trì như thế nào?

Phật nói: Pháp căn bản này nên gọi là Các Tội Là Không Tướng Không Bỏ, nên theo như vậy mà thọ trì. Cũng gọi là Như Lai Tự Tại, các ông nên theo đúng như thế mà thọ trì. Cũng gọi là Vô Sở Hữu Bồ Tát Sở Vấn, Thuyết Phật Đại Thần Thông, Ác Tâm Nan Điều Oan Thù Hối Quá, Vô Sở Hữu Pháp Khả Thị Hiện Giả, Phi Bất Kiến Nhất Thiết Chư Pháp. Các ông nên theo đúng như thế mà thọ trì.

Khi Phật giảng nói Kinh này xong, Bồ Tát Vô Sở Hữu cùng với vị Nan Điều Oán Thù, Bồ Tát Văn Trì và đại chúng, các hàng Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà… nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***