Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MƯỜI
 

Này thiện nam! Lúc ấy vị oán thù hại người khó điều phục kia cũng là Tỳ Kheo tên Tịch Định Oai Nghi, khéo giảng nói pháp chính yếu, thông thạo tổng trì, đầy đủ mười ngàn thứ Kinh Điển, trì tụng thông suốt, có thể phân biệt rộng các Kinh, thường thuyết giảng về ý nghĩa của pháp ít ham muốn, biết đủ.

Vị Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi ấy đã chứng bốn thiền, lại được năm thần thông, bốn định vô sắc, có nhiều đệ tử, số lượng đến năm trăm, thường theo gần gũi với thầy, cũng đều có oai nghi thắng hạnh như vậy.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi thấy Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng thì không vui không mừng, mà sinh tâm xấu ác, khởi ý sân hận, hiện ra sắc ác, ở trước đại chúng, nói như vậy: Như Tỳ Kheo kia thì có hạnh bồ đề ở chỗ nào?

Có pháp của Chư Phật ở chỗ nào?

Tạp hạnh như vậy đối với thế gian oai nghi còn không có, huống là sẽ chứng được trí tuệ thù thắng.

Nhưng mọi người đều hướng về và tin theo, không ai có thể hủy hoại được uy tín của Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng.

Khi ấy, Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi sân hận lại càng tăng thêm, từ đó hầu như ông không còn muốn gặp vị Tỳ Kheo kia và cho: Mình không hài lòng khi thấy việc ác ấy. Nếu vị Tỳ Kheo ấy hành theo tà kiến tất khiến mọi người đều hành theo điên đảo.

Đến chỗ vắng lặng, muốn nhập tam muội nhưng do có sân hận nên ông ta không thể thuận nhập, huống lại có thể an định. Do sức giận dữ bộc phát mạnh mẽ như vậy, nên các thứ thiền định tam muội và năm thần thông đạt được tất cả đều bị mất. Vì tâm thô ác như thế nên Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi bị bệnh nặng.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng suy nghĩ: Nếu như vị Tỳ Kheo này thật là hiếm có, nhưng lại sinh tâm sân hận, độc ác, bất thiện hết sức, ta nên bày tỏ sự thương xót nhằm tạo lợi ích khiến vị ấy được nghe giáo pháp sâu xa.

Lúc này, Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng cùng với năm ngàn các chúng Bồ Tát, quyến thuộc cùng bay vút lên hư không, trụ trên ấy xong, bèn nói kệ:

Ở chốn tự tánh nói bồ đề

Muốn không phân biệt, không hủy hoại

Người hiểu việc này nên thuyết giảng

Đạt được an lạc, chứng bồ đề.

Tự tánh của sân như bồ đề

Thế Tôn đã nói lời này rồi

Người nào hiểu pháp hành như vậy

Là chứng bồ đề Vô Thượng Tôn.

Thị hiện ngu si như bồ đề

Bồ đề, ngu si tánh không khác

Thị hiện si ấy bằng một hạnh

Sẽ tỏ bồ đề đạo vô thượng.

Nếu đã nói rồi các kiến hành

Và giác ngộ bồ đề thắng thượng

Với người thuyết giảng hai hạnh này

Thấy hành không thủ đắc bồ đề.

Pháp Chư Phật sâu xa vi diệu

Không dùng hữu đắc để nhận biết

Xa lìa phân biệt, chỗ nương tựa

Người trí thiện xảo ngộ bồ đề.

Nếu lìa bỏ hết các phân biệt

Và dùng trì giới thấy ngã mạn

Nương vào đa văn mà tự giữ

Bỏ tất cả rồi ngộ bồ đề.

Thà ở tại nhà vui tham dục

Nếu nghe pháp này không nghi sợ

Tin hiểu lời dạy Bậc Đạo Sư

Đối với một hạnh giảng nói rộng.

Không dạy pháp này trong xuất gia

Hữu sở đắc thấy nơi thanh vắng

Ở trong tưởng ngã thường chấp trước

Khởi niệm ta sẽ chứng bồ đề.

Đã có động niệm nơi giảng nói

Như vậy đều là lưới của ma

Nếu biết các pháp như hư không

Nên không hề sinh khởi động niệm.

Chư Như Lai có pháp như vậy

Bậc Thế Tôn đều nói một hạnh

Phiền não, bồ đề chẳng có hai

Không thủ đắc phiền não, bồ đề.

Nếu không phân biệt dục và sân

Cũng không phân biệt về ngu si

Lìa bỏ đây kia, không có hai

Giác ngộ bồ đề của Chư Phật.

Nếu không trụ vào hữu sở đắc

Cũng không có niệm và chẳng động

Không sinh tưởng ngã, không chỗ dựa

Chứng đắc bồ đề đạt an lạc.

Lìa bỏ phân biệt nơi phân biệt

Quanh co dối trá và ganh tỵ

Vui hành phước đức, giới Đầu Đà

Chứng đắc bồ đề vô lượng nhãn.

Nếu nghe pháp này không lìa bỏ

Lúc nói rộng ra cũng không nghi

Sẽ mau thành Bậc Lưỡng Túc Tôn

Trí vô thượng thế gian tự tại.

Hiểu sâu các pháp vi diệu nhất

Không thể nghĩ bàn, tịch không thuyết

Nếu người không phá bỏ ngã kiến

Trong nhiều ức kiếp khó giác ngộ.

Này thiện nam! Lúc Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng nói kệ này xong, thì nơi không trung có sáu mươi sáu na do tha Chư Thiên chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, lại có sáu mươi hai ngàn chúng sinh phát tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi nghe kệ này rồi, ý không vui mừng, tâm sinh khổ não, bức bách, nên toàn thân sưng vù lên. Vị ấy ngược lại với tâm từ của Bồ Tát Lợi Ích Thượng, chỉ suy nghĩ về một chút tâm từ, ngoài ra đều là tâm sân hận. Lúc này, đại địa bèn nứt ra, hiện thân của vị ấy bị đọa vào địa ngục A tỳ.

Ở trong cõi ấy hàng ức na do tha trăm ngàn năm, chịu rất nhiều nỗi thống khổ, lúc mạng chung liền thọ sinh nơi loài rắn độc. Như thế lần lượt trải qua nhiều ức na do tha đời, đồng thời sinh trong hai cõi ác ấy đến trăm ngàn lần. Vị ấy sinh trong địa ngục đại A tỳ, địa ngục đại khiếu hoán, rồi trở lại sinh vào loài rắn độc.

Do những căn bất thiện như vậy, nên trải qua đủ sáu mươi hai ức na do tha trăm ngàn kiếp, vì xưa kia đối với Bồ Tát Lợi Ích Thượng có sinh một chút tâm từ thể hiện qua ánh mắt, nên khi hết bị đọa trong hai cõi ác kia, vị ấy được thọ thân người. Do tâm được huân tập, lại vì thấy rắn độc mẹ mà phát sinh tâm từ, lại được nghe giáo pháp vô cùng sâu xa vi diệu nên nay đạt được thần thông cùng trí tuệ thù thắng như thế.

Này thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi thời ấy đâu phải là người xa lạ, nay chính là vị khó điều phục oán thù, do từ xa xưa đã tạo nghiệp chướng ấy.

Này thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Vị Tỳ Kheo Bồ Tát Lợi Ích Thượng thời ấy đâu phải là người xa lạ, nay chính là thân ta, còn vị Vua Dũng Kiện Lực thời ấy, đâu phải là người xa lạ, nay chính là Bồ Tát Vô Sở Hữu.

Này các thiện nam! Do xưa kia, vị Tỳ Kheo Tịch Định Oai Nghi ở bên Bồ Tát Lợi Ích Thượng sinh tâm sân hận như vậy, nên phải thọ nhận nghiệp chướng khổ não đáng sợ, khó lường như thế.

Này các thiện nam! Do vậy, nếu có Bồ Tát muốn làm thanh tịnh các thứ nghiệp chướng, thì đối với chư Bồ Tát phải cung kính, tôn trọng, luôn nghĩ như vị thầy dạy dỗ mình.

Này các thiện nam! Nếu có vị nào muốn cho tự thân không bị hại, lại an trụ nơi quả vị Bồ Tát, thì phải nên tu học như vậy.

Khi Đức Thế Tôn Giảng nói phẩm Kể lại chuyện xa xưa này, có chín mươi hai na do tha trăm ngàn chúng sinh chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, ba mươi sáu ức na do tha chư Bồ Tát có thể làm thanh tịnh mọi thứ nghiệp chướng.

Bấy giờ, vị oán thù hại người khó điều phục ấy, nghe Phật thọ ký cho mình thì rất đỗi vui mừng, liền bay lên trụ giữa hư không cao cách đất bảy cây Đa La và nói kệ:

Nếu muốn trụ cõi tịnh

Nên như Đạo Sư giảng

Phải tin lời Chư Phật

Đại thần thông tối thượng.

Biết thần thông Phật rồi

Biết chỗ không phân biệt

Nơi thế gian không có

Khó có thể đạt được.

Nếu nghe được Kinh Pháp

Vô Sở Hữu nên hỏi

Khéo tin nhận, chứng nhập

Tức cúng dường Chư Phật.

Nếu học Kinh này rồi

Thì trừ các tưởng hữu

Bỏ được việc làm ác

Sẽ gặp các Đạo Sư.

Nếu ai học Kinh này

Thì sẽ gặp Chư Phật

Thân cận các Như Lai

Như Kinh đây nói rộng.

Đây tức là thí độ

Trụ ở nơi tịnh giới

Nhẫn nhục và tinh tấn

Thiền định cùng trí tuệ.

Nếu không có sở đắc

Nơi ấy chẳng thể nói

Như điều Thế Tôn dạy

Điều phục, học như vậy.

Nếu nghe được Kinh ấy

Hiểu rõ tất cả nghĩa

Cúng dường đủ các loại

Không báo đáp hết được.

Trải qua vô số kiếp

Tối tăm không hiểu biết

Nếu người nghe Kinh này

Thì đến được Cõi Phật.

Nơi ngu si tỉnh ngộ

Phá trừ màn vô minh

Đạt được tất cả không

Đều nhờ nghe Kinh này.

Dứt tận các phiền não

Chỉ còn lại chút ít

Giống như nơi biển lớn

Còn lại một giọt nước.

Dốc thành tựu chúng sinh

Giọt phiền não chưa hết

Vì thương xót chúng sinh

Chưa dứt phiền não đó.

Làm thanh tịnh Cõi Phật

Tất cả chưa viên mãn

Nên độ thoát chúng sinh

Chẳng bỏ một chốn nào.

Khi việc ấy viên mãn

Được thọ ký bồ đề

Cho nên các giọt nước

Ở trong bình chẳng tận.

Nếu tất cả mở bày

Thì sẽ có Cõi Phật

Được đầy đủ tất cả

Không còn huân tập khác.

Chốn như vậy như vậy

Nghe có Kinh như thế

Người khéo hay giảng nói

Đầy đủ các công đức.

Vị oán thù khó điều phục nói kệ này xong thì từ nơi hư không hạ xuống trước chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay đứng qua một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi vị ấy: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Ông nói kệ ấy thật hợp với nghĩa lý, không có hư vọng, không có sai khác. Uy lực thần thông của Như Lai như vậy, tất cả chúng Bồ Tát phải nên học. Học như vậy rồi thì sẽ đạt được diệu nghĩa không nơi chúng sinh.

Lúc đó, vị oán thù khó điều phục liền suy nghĩ: Đức Thế Tôn đã khen ta lành thay, ta nay rất hoan hỷ, vậy nên dùng vật gì để cúng dường Đức Thế Tôn?

Ngay lúc ấy, giữa hư không phát ra âm thanh: Ông nên dùng thân để cúng dường Đức Thế Tôn.

Vị Oán thù khó điều phục lại hỏi: Cúng dường như thế nào?

Lại nghe nơi hư không đáp: Này thiện nam!

Hiện tại ông nên bay lên hư không, khiến cho các đại chúng ở đây đều thấy biết, trụ ở giữa hư không nói kệ này:

Tham đắm vào các vật

Đều do chấp nơi thân

Con đã bỏ tất cả

Nay cúng dường Đạo Sư.

Nghe kệ này xong, vị đó rất vui mừng, do diệu lực từ thần thông của Phật, nên bay lên hư không cao một cây Đa La, nói kệ ấy xong, liền xả thân cúng dường Đức Như Lai, sự việc xong thì có hàng ngàn loại hoa mềm mại, mùi hương tinh khiết đặc biệt, ánh sáng và mùi hương ấy tỏa rộng khắp một do tuần, giống như ánh sáng Mặt Trời.

Trải qua một giờ hoặc nửa giờ, các hoa đó lại nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng để cúng dường. Do thần lực của Phật nên số hoa đó ở giữa hư không đã kết thành lọng hoa.

Từ nơi lọng hoa ấy phát ra lời kệ:

Tôi đã xả thân mình

Cúng dường các Đạo Sư

Tôi chẳng biết tự thân

Cũng chẳng biết Thế Tôn.

Khi đó, vị ấy hiện khắp mọi nơi, chẳng biết thân tâm, chẳng biết Như Lai, chẳng biết chúng sinh, chẳng biết trụ xứ, nhập vào Niết Bàn bình đẳng, nhưng cũng không nghĩ là ta đã chứng đắc.

***