Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Lúc ấy, có một hóa Phật tự nhiên hiện thân, nói: Này thiện nam! Ông đã thành tựu hạt giống nơi Cõi Phật, hiện bày tất cả.

Ở trước đức hóa Phật đó, vị ấy đứng chắp tay, tâm rất vui mừng cung kính, lễ bái rồi thưa: Con nay đã đảnh lễ thần thông lớn của Phật, khiến cho các hạt giống căn lành cùng phát sinh, trụ khắp trong pháp Niết Bàn bình đẳng, lìa tội, phước đức, như vậy cũng chẳng trụ chấp gần nơi căn lành.

Nhưng trong các pháp Phật, vị đó có khả năng gần gũi, đầy đủ tất cả, luôn khuyến thỉnh khiến trụ nơi cảnh giới giác ngộ, rồi lại nói kệ:

Chúng sinh biết như vậy

Nên thoát nỗi khổ dữ

Đường sinh tử hiểm lớn

Chúng sinh khổ hiện có.

Cũng sẽ chẳng thành tựu

Chỗ có nói về khổ

Cũng chịu sự khổ ấy

Vì chẳng hiểu lời này.

Nói kệ xong thì đứng yên lặng.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Danh nói với vị đó: Này thiện nam! Ông nay đã có thể thực hành tất cả thí, như đem thân mình cúng dường Phật.

Này thiện nam! Ông lại không thể nói: Ta được tự tại dù đã đem thân này cúng dường nơi Phật.

Này thiện nam! Ví như có người đem của cải bố thí cho người khác, sau đó không thể nói: Vật ấy sẽ trở về với tôi. Người đó đối với tài sản đã bố thí, chẳng được tự tại.

Cũng vậy, này thiện nam! Ông đã đem thân cúng Phật với lời nói: Đời vị lai ta sẽ được thành Phật. Vì đã được thọ ký.

Này thiện nam! Nay ông lại muốn làm gì?

Nghe lời nói như thế, vị ấy liền sinh niệm nghi ngờ: Ta nay làm gì?

Ta nay lên làm sao?

Suy nghĩ như vậy liền nghe Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Này thiện nam! Nay ông chớ nghĩ tưởng về điều gì khác, chỉ nên nhớ lại thần thông của Chư Phật, như đã tin hiểu. Nên trả lời như vậy đối với câu hỏi của Bồ Tát Vô Danh.

Nghe lời nói đó, vị ấy liền phát sinh biện tài, thấy rõ từ trước đến nay không có thân tâm, không có ngôn thuyết, không thí, không giới, không nhẫn, không tấn, không thiền, không trí, không đoạn, không thường, không Thanh Văn, không Bồ Tát, không phát tâm bồ đề, không có Như Lai, không có pháp của Như Lai, không có Niết Bàn.

Không có âm thanh của Niết Bàn, không có người tin, không có chỗ trụ, không có chỗ chọn lấy, không có chỗ để nói, không có người trói buộc, không có chỗ nghe, không có người được nghe, không có chỗ hiện có, không có người hiện có.

Không có người vâng theo để thâu tóm, không có chỗ vâng theo để mong cầu, tất cả tướng thù thắng đều đã đầy đủ, giáo hóa chúng sinh, mở bày trọn vẹn, thành tựu Cõi Phật và Niết Bàn, đều bình đẳng không hai, không có tên gọi, lời nói, như không thể nói, cũng không muốn sinh, như trong vô ngôn như như là trụ, như như đó cũng không có chỗ tạo tác. Vị ấy đối với thần thông lớn của Chư Phật, không còn nghi hoặc.

Bấy giờ Bồ Tát Vô Danh khen ngợi vị có tâm xấu ác hại người khó điều phục: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Ông nay khéo trụ vào đại thần thông của Phật, thành tựu biện tài, nên đã biện thuyết như vậy.

Vị ấy đáp: Thưa Đại Sĩ! Tôi cũng không trụ chấp nơi thần thông của Phật, vì thần thông của Phật là không thể tạo tác, vì thể chân thật của các pháp là không có tên gọi, không thể thủ đắc, không thể hội nhập, không thể nêu dẫn, không thể nhận biết về nơi chốn.

Người đã tin không có chỗ trụ như vậy tức cho thần thông không có chỗ trụ thì không ai có thể nêu được tên gọi, nhưng trong chỗ vô danh ấy, tôi nay xin hỏi Đại Sĩ, vì Đại Sĩ là người có trí thì sự việc này không lấy làm khó.

Bồ Tát Vô Danh đáp: Này thiện nam! Ông nay chỉ hỏi ta về chỗ nhận biết, ta sẽ vì ông mà giải thích.

Vị khó điều phục nói: Thưa Đại Bồ Tát! Ông nay vì nhân duyên gì mà gọi là Vô Danh?

Bồ Tát Vô Danh đáp: Ở đây, ta không thể nêu bày, cũng như chỗ thị hiện về tên gọi của ông bây giờ.

Vị ấy nói: Lành thay! Lành thay! Này Đại Sĩ! Ông nay đã trụ vào thần thông của Phật, xa lìa mọi thứ tên gọi.

Bồ Tát Vô Danh đáp: Này thiện nam! Ở trong chỗ bình đẳng thì không có pháp nào có thể lìa, có thể đoạn, có thể kiến lập, không đến, không đi, không có tướng bình đẳng.

Này thiện nam! Nếu tất cả các pháp bình đẳng thì không có ly biệt. Nếu tất cả các pháp bình đẳng thì cũng không có nơi chốn thì làm thế nào đoạn, lìa. Nếu pháp bình đẳng mà có khác biệt thì mới có thể đoạn, lìa.

Bấy giờ, trong chúng hội có một Bồ Tát tên là Bất Tự Tại, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Bồ Tát Vô Sở Hữu mang tên như vậy?

Phật bảo: Này thiện nam! Ông nên đến hỏi Bồ Tát Vô Sở Hữu, Bồ Tát sẽ nói rõ các nhân duyên ấy cho ông.

Bồ Tát Bất Tự Tại liền đến trước Bồ Tát Vô Sở Hữu hỏi: Này thiện nam! Ông nay vì sao có tên là Vô Sở Hữu?

Bồ Tát Vô Sở Hữu đáp: Này thiện nam! Ta nay không thấy tự thân mình có thể tạo lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Ông nên hỏi Đức Như Lai về những điều như vậy.

Bồ Tát Bất Tự Tại hỏi: Những điều hỏi đó và thân của ông ứng hợp hay là không ứng hợp?

Bồ Tát Vô Sở Hữu đáp: Chỗ hỏi tôi không ứng hợp với thân.

Bồ Tát Bất Tự Tại hỏi: Này thiện nam! Ông nay vì sao không ứng hợp với tự thân, mà thành tựu được chỗ đã hỏi?

Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Này thiện nam! Tôi dùng ba nơi để hỏi Đức Như Lai. Đó là thân, khẩu và ý.

Này thiện nam! Thân, khẩu, ý này không có nghĩa hòa hợp.

Bồ Tát Bất Tự Tại bảo: Này thiện nam! Ông do có ý gì mà không hiện thân?

Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa: Ông nay nên tin về những điều tôi nói. Tôi vì nhằm tạo an lạc cho tất cả chúng sinh nên không hiện thân.

Bồ Tát Bất Tự Tại nói: Tôi dùng nhục nhãn nên không thể thấy được.

Bồ Tát Vô Sở Hữu bảo: Nên dùng thiên nhãn để nhìn thấy.

Bồ Tát Bất Tự Tại thưa: Dùng thiên nhãn cũng không thể thấy.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Dùng pháp nhãn để nhìn thấy.

Bồ Tát Bất Tự Tại đáp: Này thiện nam! Mọi thứ pháp hành hiện có cũng không lìa tất cả các nhãn, ở nơi ấy không có pháp nào có thể thấy được.

Bồ Tát Vô Sở Hữu hỏi: Ông làm thế nào để nghe?

Bồ Tát Bất Tự Tại đáp: Nơi ấy không có hòa hợp nên có thể nghe.

Này thiện nam! Tôi thấy như như.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Này thiện nam! Ở trong như như không có ba nhãn.

Bồ Tát Bất Tự Tại hỏi: Ông làm sao để thấy?

Khi ấy, Bồ Tát Vô Sở Hữu an trụ trong im lặng.

Bồ Tát Bất Tự Tại nói: Này thiện nam! Đối với tất cả pháp không thể thấy, tại sao an trú trong im lặng?

Hư không lẽ nào chẳng dung thọ các pháp?

Hư không tất có thể dung nạp các pháp, nên không có nhiễm chấp, hội nhập không bị chướng ngại. Đối với tất cả các pháp không có nhờ dựa, nơi ấy không có đắm nhiễm, nên có thể giải thích, nêu bày.

Này thiện nam! Do nhân duyên gì mà ông im lặng không nói?

Bồ Tát Vô Sở Hữu đáp: Tôi nay nếu dùng ngôn ngữ hiện có để giải thích cho ông thì không thể được, do vậy tôi im lặng, không nói.

Này thiện nam! Ông hãy nghe tôi hỏi: Vì nhân duyên gì mà ông có tên là Bồ Tát Bất Tự Tại?

Này thiện nam! Tôi nhớ lại hàng ức kiếp về trước đã từng nhận biết vì các chúng sinh mà xa lìa lời nói không có lợi ích, vì các chúng sinh mà làm những điều lợi ích, hòa nhã an lạc, tất cả đều tốt đẹp, vi diệu, hoan hỷ, không có thô xấu, dựa vào lúc có lợi ích, nên không sinh sân hận. Nói điều như thế mà không có chúng sinh nào oán hận tôi.

Này thiện nam! Do nhân duyên ấy nên tôi không có lo sợ.

Này thiện nam! Tất cả chúng sinh đều không có chỗ lo sợ.

Vì sao?

Vì các ngôn ngữ hiện có không có tự tại.

Này thiện nam! Ông nay quán xét các pháp ngôn ngữ không có tự tại ấy. Trong ngôn ngữ tôi nói hôm nay có người nhờ vậy mà được thành tựu, không lệ thuộc vào ba cõi.

Mọi ngôn thuyết hiện có của chúng sinh hoặc hợp hoặc tan, hoặc có lợi ích, hoặc không lợi ích, hoặc xen tạp, hoặc không xen tạp, hoặc niệm, hoặc khởi, hoặc vì chúng sinh khiến họ làm thanh tịnh các phiền não, khiến xả bỏ các phiền não. Tôi thấy tất cả thảy đều bình đẳng, kẻ trí người ngu đều cùng một tên gọi.

Bồ Tát Bất Tự Tại nói: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Như ông trước đây đã cúng dường các Đức Phật, nên lời nói, sự giải thích được hòa hợp với chân thật.

Này thiện nam! Ông thấy rõ lợi ích gì mà không hiện thân?

Bồ Tát Vô Sở Hữu đáp: Ông nay nên hỏi Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Úy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Vô Sở Hữu này vì thấy rõ lợi ích gì mà không hiện thân?

Phật nói: Này thiện nam! Chỉ trừ thân ta và thân thù thắng do thần thông biến hóa, ngoài ra không có thân của chúng sinh nào trong ba cõi có thể so sánh. Đạt được thân tướng tốt đẹp thù thắng như vậy là nhờ phước báo, nên chớ để các phụ nữ nhìn thấy.

Nếu họ nhìn thấy thì đắm nhiễm, loạn ý, không thể nghe pháp, không làm được việc gì, xa lìa chồng con, an uống không vui, đam mê ái dục, chịu nhiều khổ não. Bồ Tát Vô Sở Hữu vì thấy rõ các tai họa như vậy nên không hiện thân.

Lúc này, Bồ Tát Vô Úy và đại chúng đều sinh nghi ngờ, liền nghĩ: Bồ Tát Vô Sở Hữu này có thân tướng như thế nào mà nay Đức Thế Tôn lại nói như vậy.

Bấy giờ, các người nữ trong đại chúng: Một tên là Giải Nhiễm, hai tên là Bảo Anh, ba tên là Giải Hoa, bốn tên là Bảo Hoa, năm tên là Phổ Hương, sáu tên là Hương Tự Tại, bảy tên là Kim Hoa, tám tên là Tác Ái, chín tên là Bất Nhiễm, mười tên là Thiện Trụ Ý.

Mười một tên là Tác Quang Minh, mười hai tên là Điềm Vị, mười ba tên là A Na La Lê Da, mười bốn tên là Trụ Trì, mười lăm tên là Vô Cấu, mười sáu tên là Hải, mười bảy tên là Công Đức Thượng, mười tám tên là Vô Quá Thất, mười chín tên là Điều Thuận.

Hai mươi tên là Chư Thiên Cúng Dường, hai mươi mốt tên là Hoại Thượng, hai mươi hai tên là Phổ Chiếu Minh, hai mươi ba tên là Bất Bối, hai mươi bốn tên là Thiện Trù Trì Tinh Tấn, hai mươi lăm tên là Thiện Trú, hai mươi sáu tên là An Lạc, hai mươi bảy tên là Vương, hai mươi tám tên là Bi.

Hai mươi tám người nữ như vậy, cùng một số thiếu nữ khác từ chỗ ngồi đứng dây, cởi các xâu chuỗi anh lạc trên thân mình đem dâng cúng dường Đức Thế Tôn rồi cùng nhau quỳ gối phải xuống sát đất, chắp tay bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói về công đức của Bồ Tát Vô Sở Hữu như thế, nguyện cho chúng con nhờ oai lực của Đức Như Lai được thấy thân tướng của Bồ Tát ấy. Bồ Tát đã thành tựu phước báo chân thật thì chớ dùng thân khác biệt mà thị hiện cho chúng con. Chúng con nay muốn thấy thân tướng đích thật của Bồ Tát Vô Sở Hữu.

Phật bảo các nữ nhân: Nay các con muốn thấy sắc thân thành tựu của Bồ Tát Vô Sở Hữu chăng?

Các nữ nhân đáp: Bạch Thế Tôn! Chúng con có điều nghi ngờ, cúi mong Thế Tôn Giải thích cho.

Phật nói: Này các nữ nhân! Sau khi thấy thân tướng của Bồ Tát Vô Sở Hữu rồi, các con có lợi ích gì?

Các con trở về nhà chớ lìa bỏ quyến thuộc, nếu thấy được than tướng của Bồ Tát Vô Sở Hữu thì hãy an trú đầy đủ nơi tất cả công đức.

Các nữ nhân thưa: Chúng con đều có thể xả bỏ tất cả, quyết định phải thấy được thân tướng của Bồ Tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vo sở hữu: Này thiện nam! Các nữ nhân ấy muốn được thấy thân tướng của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã hứa với các nữ nhân, con nên hiện thân tướng trước họ sao?

Phật bảo: Này thiện nam! Như Lai đã hứa với họ, nhiều người vui mừng muốn được thấy thân tướng của Bồ Tát, sẽ có lợi ích như có được thân tâm hơn hẳn, đẹp đẽ, thanh tịnh. Nếu thấy được thân ông thì họ quyết định ở nơi đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được chuyển thân nữ thành thân nam.

Ông nay đã có tịnh nguyện như vậy là nhờ dùng trăm ngàn thân vun trồng các căn lành nơi nhiều Đức Phật, trụ trong nguyện ấy, ở nơi ba cõi phát nguyện: Tôi sẽ chứng đắc Phật thân tối thắng, có chúng sinh nào thấy được thân tôi thì họ quyết định trụ nơi đạo quả bồ đề, được chuyển thân nữ thành thân nam.

Nếu ở nơi trú xứ của tôi, đã vun trồng các căn lành thì suy nghĩ về pháp sâu xa như vậy xong tức chứng đắc bản tánh của nhẫn, nguyện cho họ chứng nhập trong pháp chân như, đầy đủ các pháp của Bồ Tát, mở bày gần gũi nơi pháp của Chư Phật.

Bồ Tát Vô Sở Hữu nghe Đức Phật nói như thế xong, liền thưa: Đúng vậy! Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn đã dạy.

Tức thì trong tay của Bồ Tát, nơi từng ngón một đều phóng ra ánh sáng, mỗi mỗi ánh sáng đều tỏa chiếu đến thành Vương Xá, đều xuất hiện nơi nhà của các người nữ kia. Những ánh sáng ấy, nếu có các chúng sinh thấy được thì từ nơi đất vọt ra hóa thành các hoa, rộng tròn một thước, sắc hương đầy đủ, từ trước đến nay chưa từng được thấy.

Bấy giờ, trong thành Vương Xá có vị công chúa con Vua Tần Bà Sa La muốn ra ngoài thành để dạo chơi, Nhà Vua liền bảo đám thị nữ: Các ngươi đã luôn hầu cận bên con gái ta và đã hưởng lộc của Nhà Vua, vậy phải hết lòng với công việc.

Đám thị nữ đông đến hàng ngàn người này, nghe Vua nói xong liền dùng các thứ chuỗi ngọc đủ loại trang điểm nơi thân. Khi ấy, họ trông thấy các bông hoa tươi đẹp hiếm có ở phía trước, thân tâm rất vui mừng, muốn nắm bắt lấy nhưng không sao nắm bắt được và họ cũng không muốn rời bỏ. Các cành hoa ấy tuy cách tay họ chỉ chừng một thước mà không thể với tới, chúng cứ bay mãi về phía núi Tỳ Phú La.

Lúc này, đám thị nữ cùng với công chúa con Vua Tần Bà Sa La tư trong thành Vương Xá tuần tự đi ra. Các bông hoa kia vẫn bay chầm chậm trước mặt, nhưng họ không thể phân biệt chúng bay hay không bay.

Ai nấy đều nghĩ: Các bông hoa này gần tay chúng ta, sao mà không thể nắm bắt được?

Rồi tất cả các cành hoa đều bay về núi Tỳ Phú La và đám người đông đảo này cũng trèo lên núi. Đến nơi, mọi người đều thấy hàng vô lượng trăm ngàn đại chúng đang vây quanh Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác để nghe pháp.

Lại thấy có hai mươi tám người con gái, cùng chị em của họ đang chắp tay đứng trước Đức Thế Tôn để cung thỉnh.

Công chúa con Vua Tần Bà Sa La nhìn thấy đám người ấy bèn hỏi: Các phụ nữ này vì sao chắp tay đứng trước Đức Thế Tôn, để cầu nguyện việc gì chăng?

Tức thì trên hư không có tiếng nói: Các vị ấy muốn được thấy thân tướng của Bồ Tát Vô Sở Hữu. Thân tướng của Bồ Tát rất là thù thắng, trừ thân Phật ra, thì trong Ba Cõi không ai có thể sánh bằng.

Các phụ nữ mới đến núi Tỳ Phú La cũng đồng thưa: Chúng con xin nguyện được thấy sắc thân của Bồ Tát Vô Sở Hữu.

Họ vừa nói dứt lời, thì các bông hoa kia liền bay vào nơi tay, mọi người bèn dùng các hoa ấy tung lên để cúng dường Đức Như Lai và nói: Cúi mong Đức Thế Tôn cho Bồ Tát Vô Sở Hữu hiện thân trước chúng con.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Sở Hữu: Này thiện nam! Ông nay nên thị hiện toàn thân, khiến cho nhiều chúng sinh sau khi thấy được rồi sẽ vun trồng nhân Bồ Đề, cũng như ông đã ở nơi trú xứ của trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Sở Hữu liền hiện toàn thân, đại địa hiện đủ các thứ chấn động, nhưng đều an lành, không một chúng sinh nào phải sợ hãi, tất cả mọi âm nhạc không hòa tấu mà tự vang lên, trên không trung mưa xuống các loại hoa Trời, hết thảy nơi chốn, bao thứ hương quý của hàng Trời, người đều tự đốt lên.

Lúc này, Bồ Tát Vô Sở Hữu đã thị hiện sắc thân đầy đủ, các người nữ trông thấy ai cũng vui mừng, họ đều tự nghĩ: Bồ Tát Vô Sở Hữu chỉ tạo riêng sự an lạc cho mình.

Bồ Tát Vô Sở Hữu thị hiện trước mặt của mỗi người, nhưng chẳng ai biết đó là do thần thông biến hóa của Bồ Tát.

Mỗi người đều nói lên ước nguyện của mình: Ở núi Tỳ Phú La bên dưới rừng cây kia, chúng ta sẽ ở đây hoan hỷ thọ nhận mọi thứ an lạc. Chúng ta chưa từng được nghe các âm thanh vi diệu, sắc hương khác lạ như vậy. Chúng ta hôm nay xin đội ân của Đức Như Lai.

Các phụ nữ ấy bèn đến ngồi bên các cội cây, xe cộ, bảy báu, tất cả các thứ phước báo đều hiện ra đầy đủ, mọi người an vui thọ nhận không ai nghĩ đến chuyện trở về. Họ vui chơi trong bảy ngày đêm như vậy.

***