Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát
PHẬT THUYẾT
KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN SÁU
Không lấy cũng không bỏ
Ông nay phải nên biết
Ở nơi mình và người
Nên dứt bỏ mọi nghi.
Biết thần thông Phật rồi
Liền xa lìa tưởng ngã
Cũng lại không nêu bày
Tự thân rời vô thượng.
Biết thần thông Phật rồi
Tất cả tội đều diệt
Diệt rồi, phiền não dứt
Nên gọi là trì giới.
Đã nghe thần thông Phật
Đã nói đại thần thông
Như thật không suy tư
Nên gọi là nhẫn nhục.
Đã biết thần thông Phật
Tâm kia không khiếp sợ
Lại phát sinh tinh tấn
Nên gọi là tinh tấn.
Biết thần thông Phật rồi
Tâm kia không tán loạn
Xả bỏ hết thảy tướng
Nên gọi là thiền định.
Đã biết thần thông Phật
Khong tham đắm ba cõi
Vượt qua các chướng ngại
Nên gọi là trí độ.
Thực hành khắp mọi chốn
Dùng các độ điều phục
Hiểu biết tất cả Phật
Nên gọi thần thông Phật.
Khi ấy, Vị có tâm xấu ác, khó điều phục hại người, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Mỗi mỗi lời dạy bảo của Chư Phật khó mà hiểu rõ.
Người có trí tuệ nhỏ bé lại suy nghĩ sâu xa và nói kệ:
Nếu được nghe, tự chứng
Thế nao hiểu thần thông?
Kia có thể đầy đủ
Pháp sáu độ như thế.
Và các pháp trợ đạo
Thế nào thần thông Phật?
Sao có thể tánh thật
Kia sao có sắc trụ
Làm sao để chứng đắc?
Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời cho vị có tâm xấu ác, khó điều phục hại người:
Nếu tự mình biết rõ
Biết không có chúng sinh
Trí trong tất cả pháp
Kia là thần thông Phật.
Tâm chúng sinh đắm vướng
Dạy bảo trong pháp không
Đó là dạy chúng sinh
Sẽ được thần thông Phật.
Tâm chúng sinh tham đắm
Nên nhất tâm hiểu khắp
Cũng không nên phát tâm
Đó là thần thông Phật.
Các Cõi Phật hiện có
Tức biết một Cõi Phật
Đây kia không cùng nhập
Đó là thần thông Phật.
Biết các pháp không sinh
Nên phát tâm bồ đề
Một chúng sinh, tất cả
Nên gọi thần thông Phật.
Nhẫn gọi là thần thông
Thể pháp nhẫn cũng dứt
Vào trong hết thảy pháp
Cung không có chỗ trụ.
Kia trụ thần thông Phật
Tất cả pháp không nghi
Không nghi, pháp không sinh
Do vậy được thọ ký.
Chúng sinh được thành thục
Nên Cõi Phật thanh tịnh
Nơi nhiều kiếp tu hành
Nên được trí của Phật.
Biet tánh không Chư Phật
Tất cả là tối thượng
Đạt đến bờ pháp Phật
Chúng sinh được thành thục.
Âm thanh Phật, thần thông
Văn nghĩa đều chứng đạt
Trong giáo pháp bí mật
Tức đạt đến bờ giác.
Rộng lớn không thể giữ
Cũng không thể biết hết
Thần thông Phật như thế
Lại không có biên vực.
Nếu tự chứng đắc rồi
Là bố thí tối thắng
Đứng đầu trong các thí
Không sinh nơi cõi ác.
Thực hành thí tất cả
Lúc thường hành bố thí
Trí không có phân biệt
Cũng không có chỗ trụ.
Đã hiểu lời dạy này
Không vật gì không bỏ
Ở trong tất cả đời
Vì thế bỏ tất cả.
Nếu đã nghe pháp này
Nên dứt bỏ tưởng ngã
Đã diệt mọi tham đắm
Đó là thí tối thượng.
Nghe rồi không phiền não
Thân tâm được tịch tĩnh
Đó là giới tối thượng
Không còn có gì hơn.
Ở trong một pháp không
Không nhẫn, không tranh chấp
Đó là nhẫn tối thắng
Trong ấy là vô thượng.
Đã rõ các pháp không
Khong có tâm khiếp nhược
Là tinh tấn tối thắng
Trong đó không gì hơn.
Nơi không thường chẳng loạn
Tâm biết rõ tất cả
Đấy là vui thiền định
Chỉ thị hiện nơi tiếng.
Ở trong không chẳng sợ
Nhất thiết trí dứt tưởng
Lìa phiền não không tỏ
Đó là trí tối thượng.
Do vậy hành các độ
Hội nhập giáo pháp này
Nếu biết không nêu bày
Tức vượt qua các độ.
Không hủy hoại các pháp
Cũng không có bức não
Tức biết được chánh pháp
Trí định không dụng công.
Không hủy hoại các pháp
Cũng không có bức bách
Nên tịch tĩnh, vô tri
Thí đạt đến bờ giác.
Nếu không hoại các pháp
Cũng lại không bức bách
Đây là giới thù thắng
Đứng đầu trong các giới.
Nếu không hủy hoại vật
Nơi phi pháp cũng vậy
Như vậy không còn nghi
Và không đọa đường ác.
Nếu nhẫn vô tận rồi
Biết các pháp hữu vi
Đấy là nhẫn tối thắng
Lìa hết thảy tranh chấp.
Thường tu tập nhẫn ấy
Ngày đêm không ngừng nghỉ
Thân tự chứng như vậy
Nên được sắc ưa nhìn.
Như lúc tu tập không
Chẳng sinh ý mệt mỏi
Là tinh tấn hơn hết
Xả bỏ mọi lười biếng.
Tinh tấn ấy như thế
Nếu thân tự chứng rồi
Gọi tinh tấn bậc nhất
Tất cả không gì hơn.
Chẳng đắm nơi pháp không
Và pháp thiền tịch diệt
Đấy là không tối thắng
Xa lìa các giác quán.
An vui trong thiền định
Xả bỏ các phiền não
Như vậy thân tự chứng
Tức không có vội vàng.
Đối với pháp trong ngoài
Không nương tựa, tham đắm
Đấy là trí tối thắng
Không có trí nào hơn.
Nên quán tất cả pháp
Là không có xứ trí
Biết tự chứng như thế
Không đắm nhiễm thế gian.
Biết đúng thật như vậy
Thường hay thí tất cả
Cũng không thí hết thảy
Không có chỗ nắm giữ.
Các pháp không thật có
Tức là thể các pháp
Không có gì tự chứng
Gọi là người có đủ.
Tư duy luôn trong lành
Khéo tu pháp bình đẳng
Không có mọi khiếp nhược
Đoạn nghi, soi chiếu khắp.
Ở trong giới thanh tịnh
Không có các phiền não
Nếu không có chỗ chứng
Giới làm sao mà chuyển?
Giải thoát như hư không
Lại không có chỗ thấy
Như hư không thanh tịnh
Do thế không xét, tạo.
Không thấy có các pháp
Mà cầu đạo vô thượng
Nên vì các chúng sinh
Chỗ dấy khởi phiền não.
Chẳng thấy các thân kia
Lúc chẳng thấy thân ấy
Phiền não không chỗ buộc
Giải thoát đều như mộng.
Lại không chỗ thấy nữa
Đã không, cũng chẳng thấy
Nên gọi là như mộng
Mọi ngôn thuyết như vậy.
Có không cùng sai biệt
Quan sát, phân biệt tiếng
Như không, không thể chấp
Trì giới và phá giới.
Cõi thiện và nẻo ác
Si, hư vọng phân biệt
Xứ ấy không chân thật
Giống như ảnh trong gương.
Phân biệt cho nên thấy
Nơi kia không thật có
Thể sắc thật như thế
Như vậy trong chấp ngã.
Sĩ phu không thủ đắc
Trong đã là không có
Thì ngoài không nắm bắt
Là giáo pháp như như.
Do vậy nói là không
Nếu người biết rõ không
Chắc chứng đạt tịch diệt
Sắc từ nhân duyên sinh.
Sắc không có thật thể
Nếu duyên kia không có
Sắc kia không có nhân
Không nhân nên không sinh.
Bản tánh không: Tịch tĩnh
Không lấy, cũng không bỏ
Không khác cũng không giống
Nên chứa pháp không hai.
Tất cả căn thường nhẫn
Nếu đạt nhẫn như vậy
Sẽ mau được thành Phật
Ta đã biết như thế.
***