Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN TÁM
 

Lúc này, trong chúng hội có vị Thiên Tử tên là Vô Phiền, liền dùng hoa Mạn Đà La của Trời rải lên chỗ Đức Phật rồi chắp tay cung kính, thưa: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì kẻ có tâm xấu ác, khó điều phục hại người lại được các căn thông lợi, trí tuệ vi diệu mới có thể lãnh hội quyết đoán mau chóng như vậy?

Phật nói với Thiên Tử Vô Phiền: Thiên Tử hãy lắng nghe! Kẻ có tâm xấu ác, khó điều phục, hại người, về đời quá khứ xa xưa, từng trong năm trăm kiếp làm thân rắn độc, thấy vật liền sát hại. Do làm thân rắn độc, nên suốt ngày lẫn đêm, có rất nhiều loài chúng sinh bị rắn giết hại.

Vì đói khổ nên rắn ăn tất cả mà vẫn không thể no đủ, ăn xong thì hủy diệt thành tro bụi. Rắn vì tìm ăn nên không hề ngủ nghỉ, thân không an ổn, tâm ác ngày càng lớn thêm. Hoặc trải qua ngày, đêm, nửa tháng, một tháng, hoặc rất nhiều năm, vì tâm ác như vậy nên sau khi chết liền bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu nhiều khổ não, đủ trăm ngàn kiếp, cho đến vô số kiếp.

Nếu ra khỏi địa ngục A tỳ thì lại sinh trong loài rắn độc, trải qua năm trăm kiếp như vậy, luôn bị làm thân rắn độc. Nếu xả bo thân ấy thì lại đọa vào địa ngục A tỳ, do điều ác được tích tập luôn dấy khởi như thế. Trong đời sau cùng, rắn độc này được rắn mẹ yêu thích, sát hại rất nhiều vật khác để cho con ăn, ăn xong no nê, nên thân được bình yên, liền ngủ nghỉ không biết ngày đêm.

Trong lúc rắn con ngủ, thì rắn mẹ giết hại không biết bao nhiêu loài vật khác, số nhiều đến trăm ngàn. Sau khi giết, đem xác các loài trùng kia để xung quanh, hoặc trước miệng rắn con thành đống rất lớn. Rắn này ngủ dậy ăn tất cả, thân được no nên an ổn, lại ngủ suốt bảy ngày đêm. Mẹ nó trong bảy ngày đêm ấy lại sát hại trăm ngàn vật khác, gom thành một đống lớn.

Thấy vậy, nó khởi suy nghĩ: Lạ thay! Mẹ ta làm được nhiều việc khó làm, vì yêu mến ta, muốn đem nhiều loài vật khác cho ta ăn, nhưng ta hôm nay ăn không biết chán, ăn cũng không hết, không biết cùng tận. Hiện tại ta không nên mong ăn như vậy.

Mẹ ta vì thương yêu ta muốn cho ta luôn được no đủ, ta làm sao báo đáp được công ân ấy?

Rắn con sinh tâm Từ ái đối với mẹ, biết chỗ có lợi ích, biết có ân nghĩa, liền sinh tâm thương mến, tâm tạo lợi ích, thấm nhuần nơi bản thân, lại được chút ít tâm nhu hòa, thương nhớ mẹ, liền ngủ nghỉ, thân tâm an ổn.

Lúc ấy, những người đi đốn củi đều nhìn thấy nó, liền lấy búa chém rắn ra từng đoạn. Sau khi chết, rắn con sinh làm con trong một gia đình Chiên Đà La tên là Khí Hư, tâm cũng rất xấu ác. Bấy giờ, tổ phụ của Khí Hư mất, về sau con của Khí Hư làm người thi hành án tử hình, con của Khí Hư lại mất, dòng tộc chấm dứt, không còn ai làm nghề này nữa.

Lúc có người mac tội chết, không còn ai để thi hành án tử hình, vị đại thần tâu Vua: Đại Vương nên biết! Người thi hành án tử hình là Khí Hư, ông ấy có một người con nối nghiệp cha nay cũng mất luôn, hiện tại không có người thi hành an tử hình cho kẻ có tội đáng chết kia.

Vua hỏi đại thần: Dòng họ của Khí Hư không còn ai nối dõi chăng?

Đại thần tâu: Hiện nhà của Khí Hư có một người con mồ côi đang thừa kế sản nghiệp của ông cha chúng.

Vua ra lệnh cho đại thần: Các ông nên đến đấy dẫn hắn về đây cho ta gặp.

Đại thần nhận lệnh Vua, thi hành đưa gã kia tới gặp Vua.

Thấy nó Vua liền bảo: Này Đồng Tử! Ngươi nay đã thừa kế công việc của gia đình Khí Hư trải qua mấy đời, vì sao không làm nghề thi hành án tử hình đối với những tử tội?

Hắn ta tâu Vua: Con xin nghe theo lệnh của Đại Vương, nhưng người thân của con không cho con làm nghề sát hại. Nếu hôm nay Đại Vương bảo con phải phuc tùng mệnh lệnh, xin Đại Vương cho phép con về nhà chốc lát rồi con trở lại.

Nhà Vua bảo: Đồng Tử, ngươi nên biết là đã đúng lúc, nhớ cần phải đến đây gấp đấy.

Hắn ta về đến nhà, giết hại tất cả vợ con và quyến thuộc xong, lại đến cung Vua, tâu: Đại Vương nên biết, con đã giết hết người thân của con, nay không còn ai ngăn cản con nữa, mong Đại Vương ban lệnh cho con thực hành công vụ.

Tức thời Nhà Vua trao đầy đủ binh khí nhưng hắn ta không nhận.

Vua hỏi: Ngươi nay vì sao không chịu nhận binh khí?

Hắn tâu: Đại Vương! Con nay đã được gọi là kẻ thi hành án tử hình, tự có nanh vuốt, không cần dùng binh khí.

Đại Vương nên biết! Nếu không có nanh vuốt thì mới dùng đến binh khí. Con nay có đầy đủ nanh vuốt nên có thể thi hành án được. Con dùng răng nhọn hoắt cắn chết kẻ tử tù rồi uống máu nó xong thì thân thể được thấm nhuần, khí lực tăng rất nhiều.

Ngay lúc đó hắn tóm lấy kẻ tử tội dùng răng cắn cổ, giết chết rồi uống lấy máu, sau đấy khí lực tăng gấp bội, huênh hoang oai thế, tâm ác càng gia thêm.

Này thiện nam! Kẻ khó điều phục, sát hại người kia trong thời gian ấy đã giết hại rất nhiều chúng sinh để uống máu, tâm ác độc càng dữ dội, tâm trí thêm hung tợn.

Nhờ căn trí thông lợi như vậy, được nghe Bồ Tát Vô Sở Hữu thỉnh vấn Đức Thế Tôn về nghĩa không, đoạn trừ hết các lậu hoặc, không sinh khởi phiền não, phân biệt điên đảo, dứt ý sân hận, tham lam, ganh ghét, tâm không biết ân nghĩa đã được phá trừ, đạt pháp vô ngôn thuyết. Người ấy theo Phật nghe giảng nói về pháp, nghe xong trí tuệ được gia tăng, hội nhập nơi cõi thần thông rộng lớn của Chư Phật nên có được các công đức thù thắng như vậy.

Lúc này, lại có Đại Bồ Tát Giáo Thị, từ chỗ ngồi đứng dậy, pháp phục chỉnh tề, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn nhằm thưa hỏi.

Lúc Bồ Tát chắp tay, nhờ thần lực của Phật, nên các loài hoa sống trên cạn và dưới nước thảy đều nở rộ, sắc hương tươi đẹp thơm ngát hiện có đầy nơi tay của Bồ Tát, nên hết sức vui mừng, do tâm hoan hỷ bèn dùng các thứ hoa ấy tung rải lên chỗ Đức Phật ba lần như vậy.

Rồi bạch Phật: Hiện tại kẻ khó điều phục, sát hại người này đã từng phát tâm bồ đề chăng?

Phật nói: Này thiện nam! Ông nên đến nơi Kẻ khó điều phục, sát hại người kia mà hỏi, kẻ ấy sẽ vì ông mà nói rõ.

Khi ấy, Bồ Tát Giáo Thị chắp tay hỏi vị kia: Thưa Nhân Giả! Ông đã từng phát tâm bồ đề rồi chăng?

Người ấy đáp: Này thiện nam! Nay biết là tôi đã phát tâm bồ đề trong sạch, không cấu nhiễm. Như tôi lãnh hội về thần thông lớn của Phật, tức là đã đoạn trừ các điều ác, lại được nghe Đức Phật giải thích về những điều do Bồ Tát Vô Sở Hữu đã thưa hỏi. Nghe như vậy rồi thì tin nhận, nhớ nghĩ, quan sát không còn nghi ngờ.

Đức Thế Tôn nói: Tất cả pháp là không, không ngã, không sinh, không diệt, không có cảnh giới, không có nơi chốn của cảnh giới, không có nơi chốn của hư không. Đối với những nơi chốn như vậy thì muốn dấy khởi tâm nào và lấy gì để lãnh hội?

Bồ Tát Giáo Thị lại hỏi vị ấy: Thưa Nhân Giả! Ông đã lấy gì để hoàn thành tâm bồ đề cho chúng sinh?

Vị ấy đáp: Này thiện nam! Tôi trong vô lượng kiếp không thể nghĩ bàn, đối với các chúng sinh không khởi tâm sân hận, hạt giống bồ đề đã thành thục nơi số lượng kiếp như thế rồi, lại tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh.

Này thiện nam! Ví như hư không dung nạp được rất nhiều nơi chốn thứ loại, pháp Phật cũng dung nạp vô lượng đối tượng như vậy. Nếu có sự tin nhận thì người ấy có thể thành thục và tạo mọi thành tựu trọn vẹn cho tất cả chúng sinh, không đi theo đường tà, làm các việc ác.

Này thiện nam! Tôi đã vì lợi ích, an lạc cho hết thảy muôn loài nên làm nhân duyên nương tựa. Nay hướng về ông mà nói điều chân thật, Phật tự chứng biết. Nếu như Đức Thế Tôn không thọ ký cho tôi, thì tôi ở nơi đạo giác ngộ sẽ tự mình thọ ký.

Vì sao?

Vì tôi đã tin tưởng hội nhập nơi chủng tử của Bồ Tát, đã an trú vào pháp tín nhẫn, không nghi, lầm, ở trong cảnh giới đại thần thông của Chư Phật. Đó là chỗ các Bồ Tát không còn chấp trước, dùng sự phát tâm bồ đề làm căn bản.

Khi tâm bồ đề đã dần dần tăng trưởng thì sẽ chứng đắc quả vị giác ngộ và thành tựu nhất thiết trí, sẽ nhận biết rõ pháp của Chư Phật, lần lượt thành tựu đầy đủ cho vô lượng chúng sinh, nên đối với đạo bồ đề cũng sẽ thành tựu, lại an trú trong pháp bất động của Bồ Tát.

Này thiện nam! Như vậy, như vậy không sai khác, người thực hành như vậy mong phát sinh các tướng, nhưng các chúng sinh có tâm chán lìa các tưởng nên không còn nghi ngờ, mong được hội nhập vào cõi thần thông lớn của Phật, tự thấy mình được chút ít thần thông.

Vì sao?

Vì thần thông của Chư Phật là vô lượng.

Này thiện nam! Chư Phật, Thế Tôn ở nơi cảnh giới đại thần thông đều có thể quyết đoán, hiểu rõ trọn vẹn. Các vị Bồ Tát nếu chưa đạt được pháp nhẫn thì chỉ nên tín, hành. Nếu các vị Bồ Tát đã đạt được pháp nhẫn tức là đã vào được một phần nơi cảnh giới thần thông của Phật.

Lúc này do diệu lực từ thần thông của Phật, đại địa chấn động đủ sáu cách tạo mọi sự an lạc, không một chúng sinh nào sợ hãi, tất cả các thứ âm nhạc không tấu mà vang lên, từ trên hư không, mưa xuống các loại hoa như: Ưu Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi… cũng từ trên hư không, vô số áo Trời quý giá tự hiện ra, treo lơ lững, lại đốt các thứ hương thơm hiện có nơi Cõi Trời, người.

Hết thảy chúng sinh hiện có trong tam thiên đại thiên Thế Giới kể cả chúng Bồ Tát rất nhiều, không thể kể hết, tất cả đều lấy các thứ hoa ấy tung rải lên chỗ Đức Phật để cúng dường, ba lần như vậy xong rồi cúng dường nơi chúng hội.

Lúc này lại có mười sáu ức trăm ngàn na do tha hoa sen giống như bánh xe, từ dưới đất vọt lên, trong mỗi đài sen có một vị Bồ Tát an trụ, thảy đều gồm đủ ba mươi hai tướng tốt. Các vị Bồ Tát từ hoa sen bước xuống, lại dùng hoa ấy tung lên chỗ Phật để cúng dường, xong thì đều chắp tay cung kính hướng về phía Phật mà đứng yên.

Bấy giờ, Bồ Tát Giáo Thị thừa oai thần của Đức Phật, hỏi các vị Bồ Tát kia: Này thiện nam! Các vị từ đâu đến?

Các vị Bồ Tát kia trả lời: Chúng tôi ở trong vô số Thế Giới nơi khắp mười phương đến, đã từng cúng dường, phụng sự vô lượng các Đức Phật, nghe pháp xong và tới nơi đây.

Bồ Tát Giáo Thị lại hỏi: Này thiện nam! Các vị nghe pháp gì vậy?

Các vị Bồ Tát kia đáp: Chúng tôi cũng nghe Đức Thế Tôn Giải thích những điều mà Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa hỏi. Cũng giống nơi đây, Đức Thích Ca Như Lai giảng nói pháp, giải thích hoàn toàn giống nhau không thêm, không bớt.

Vị Bồ Tát kia thỉnh vấn Đức Phật cũng tên là Vô Sở Hữu. Đức Phật kia thuyết giảng cũng lại như vậy, không dấy khởi phiền não, đoạn trừ mọi nghi hoặc, khiến tạo ra ánh sáng, được gần gũi Chư Phật, đạt được trí nhất thiết, pháp ấy là tối thượng, không gì sánh bằng.

Lúc này, đại chúng đều sinh tâm cho là ít có, thảy cùng suy nghĩ: Các vị Bồ Tát kia đã khéo được làm thân người, được thọ mạng, được gặp Phật ra đời, được tùy thuận nơi Chư Phật, được nghe Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa hỏi Phật về các pháp như vậy, tin tưởng, hội nhập phụng hành, không tướng, không thủ đắc, không dấy phiền não.

Bạch Thế Tôn! Chúng con ngày nay đạt được lợi ích lớn, khéo được làm thân người, được thọ mạng. Hiện tại, chúng con đã nghe Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa hỏi và Đức Phật đã giải thích, chúng con nghe rồi thì tin hiểu, không còn nghi ngờ, đạt được chỗ tự chứng.

Nay chúng con được biết về Nhất thiết trí rồi, cũng sẽ vì tất cả chúng sinh tạo mọi lợi ích rộng khắp như vậy. Chúng con ngày nay, giả sử phải dùng tất cả các vật báu đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới để bố thí, cũng không báo được ân đức của Bồ Tát Vô Sở Hữu. Bồ Tát Vô Sở Hữu không hiện thân, nhưng lại thỉnh vấn Như Lai về pháp tịch tĩnh, có thể đoạn trừ ý tưởng nghi lầm, điên đảo của vô lượng chúng sinh.

Chúng con hiện tại phải nên làm gì để cúng dường bậc Bồ Tát không hiện thân này?

Lúc này, Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Các vị thiện nam! Các vị nếu nghe các pháp như vậy mà co thể tin hiểu, tức là đã thực hiện việc cúng dường bậc nhất đối với Chư Phật và Bồ Tát rồi. Chỗ thỉnh vấn của tôi nay đã được Phật giải thích, nếu các vị đạt được chốn không nghi lầm, chốn không phiền não bức bách, thì lúc thành tựu đạo quả bồ đề lại vì các chúng sinh mà tạo mọi lợi ích.

Như có chúng sinh còn chấp trước, Bồ Tát sẽ chỉ dẫn khiến họ được giải thoát, như vậy cũng là hóa độ được kẻ có tâm ác, oán thù hại người, khó điều phục kia. Đó là từng ấy việc tôi đem thỉnh vấn Đức Như Lai. Tôi hiện đã hiển bày giáo pháp của Chư Phật, chiếu sáng đến mọi cõi vô minh mờ mịt.

Lúc này, Kẻ có tâm ác sát hại người, khó điều phục thấy được thần thông rộng lớn của Chư Phật rồi, vị ấy đã thấu rõ, không còn chấp có trên dưới, tâm được điều thuận, không còn vui buồn.

Khi Bồ Tát Vô Sở Hữu nói lời này thì kẻ có tâm ác, sát hại người, khó điều phục ấy liền từ chỗ mình bay lên hư không và nói: Này các vị thiện nam! Hết thảy các pháp giống như huyễn hóa, không chân thật, chỉ do phân biệt tạo tác.

Thật thể của các pháp là như như bất động, không có điên đảo. Vì vậy các vị đối với các tưởng đã được kiến lập hiện có, các thứ tưởng như thế là tưởng không thật, là tưởng điên đảo, chẳng phải là tưởng có thật.

Do đó, hiện tại các vị đạt đến chỗ không còn nghi hoặc, cũng sẽ đạt được biện tài vô ngại. Sau khi các vị đã thoát khỏi mọi nghi lầm, nên lúc cầu đạo bồ đề không cần nương nhờ người khác, tự thể luôn được giác ngộ tất cả.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo: Này các thiện nam! Lành thay! Lành thay! Như lời các vị đã nói.

Khi ấy, Kẻ có tâm ác, khó điều phục hại người thưa: Bạch Thế Tôn!

Con nay đã được thọ ký, mong Đức Thế Tôn khen ngợi: Lành thay! Như vậy là Đức Thế Tôn đã thọ ký cho con, tức đại chúng ở đây đều có được sự vui mừng, tâm ý hoan hỷ, phát tâm thù thắng, không còn sợ hãi.

Bạch Thế Tôn! Con nay không thấy có pháp nào là hoan hỷ hết mực. Tất cả pháp đều không có nhớ nghĩ, không có chân thật, vì phân biệt mà phát sinh, vì phân biệt mà có trang nghiêm, giống như huyễn hóa, như mộng, như vòng lửa xoay mãi. Con đối với các pháp ấy đã hiểu biết rõ như vậy, cũng giống như Đức Thế Tôn đã vì Bồ Tát Vô Sở Hữu thỉnh vấn mà giải thích, con nay cũng tùy thuận, tức là không tùy thuận.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền mỉm cười, ánh sang màu vàng ròng từ kim khẩu phóng ra, lên đến cõi Phạm Thế tỏa chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, vây quanh Phật ba vòng rồi nhập vào đỉnh đầu.

Khi ấy, trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Bất Nhiễm, từ cho ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Nay Thế Tôn mỉm cười là do nhân duyên gì?

Chư Phật, Như Lai nếu mỉm cười thì chẳng phải là khong có duyên cớ, xin Đức Thế Tôn Giảng nói để chúng con được lợi ích, an vui.

Phật bảo Bồ Tát Bất Nhiễm: Này thiện nam! Vào đời vị lai, trải qua tám mươi chín trăm ngàn A tăng kỳ kiếp, vị tâm xấu ác, oán thù hại người, khó điều phục ấy sẽ thành Phật Hiệu là Lợi Thượng Công Đức.

Gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời.

Này thiện nam! Vị tâm xấu ác oán thù hại người khó điều phục ấy sau khi mạng chung sẽ sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, ở chỗ Bồ Tát Di Lặc thọ mạng tùy ý. Khi Bồ Tát Di Lặc hạ sinh, thì vị ấy làm bậc đại Trưởng Giả, tài sản vật báu vô lượng, hưởng đầy đủ tất cả phước báo. Trong hai mươi ngày đêm, vị ấy cúng dường Đức Thế Tôn Di Lặc cùng chúng Thanh Văn.

Thấy cảnh vật trang nghiêm nơi Cõi Phật của Đức Thế Tôn Di Lặc, vị ấy nguyện cầu, vì muốn cho Cõi Phật được thành tựu đầy đủ mọi thứ trang nghiêm, nên vị ấy cùng các quyến thuộc thỉnh mời Đức Thế Tôn Di Lặc cùng chúng đại Thanh Văn để cúng dường tất cả các thứ vật dụng cần thiết.

Suốt ba tháng, vị ấy cung kính tôn trọng dâng cúng đầy đủ hết thảy. Lại dùng một tấm vải trắng dài tám mươi khuỷu tay để vẽ hình Đức Như Lai Di Lặc cùng với quanh cảnh trang nghiêm của Cõi Phật kia.

Sau khi vẽ xong, vị ấy dâng cúng Đức Như Lai Di Lặc, rồi phát nguyện: Nhờ công đức này, nguyện cho Cõi Phật của con cũng sẽ được đầy đủ tướng trang nghiêm như cõi Đức Thế Tôn Di Lặc Chánh Đẳng Giác hôm nay. Nguyện cho các chúng Thanh Văn nơi Cõi Phật của con được đầy đủ trí tuệ. Nguyện cho các vị Bồ Tát nơi Cõi Phật con đạt được vô lượng trí tuệ.

Phát nguyện xong, vị ấy dùng hoa bằng vàng và bạc tung lên cúng dường Đức Như Lai Di Lặc rồi thưa: Chúng con sẽ tinh tấn như vậy, cũng sẽ làm cho cảnh giới của Chư Phật được trang nghiêm, thành tựu đầy đủ như vậy.

Như khi xưa, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thuộc chủng tộc họ Thích là hàng vương tộc hơn hết, vì con mà thị hiện tướng ánh sáng chiếu khắp, khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh thành tựu đầy đủ quả vị bồ đề. Cũng như Đức Thế Tôn Di Lặc với nhiều chúng Bồ Tát.

***