Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Vô Uý Thọ Sở Vấn đại Thừa

 

PHẬT THUYẾT KINH VÔ ÚY

THỌ SỞ VẤN ĐẠI THỪA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Thế Tôn trú nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với đại chúng Bí Sô gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là A La Hán đã đoạn tận các lậu, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, như đại Long Vương.

Việc cần làm đã làm xong, bỏ các gánh nặng, đã được tự lợi, đoạn tận các kiết sử, chánh trí giải thoát, các tâm tịch tịnh, đạt đến bờ kia, chỉ có A Nan là còn phàm phu. Lại có năm trăm vị Đại Bồ Tát đều đắc tất cả môn Đà La Ni và môn Tam Ma Địa, đều là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ.

Bấy giờ, trong thành Xá Vệ có vị trưởng giả tên là Vô Úy Thọ rất giàu có, đầy quyền lực, có nhiều của báu, tích chứa các vật dụng, kho tàng đầy nhẫy, vàng bạc, lưu ly, chân châu, san hô, các đồ chạm xa cừ… đều đầy đủ.

Ngoài ra, còn có xe cộ, voi, ngựa, trâu, dê…

Lại có nhiều quyến thuộc, nô tỳ, tôi tớ, người giúp việc và bạn bè.

Một thời, Vô Úy Thọ cùng với năm trăm trưởng giả tập hợp, nói với nhau: Các Nhân Giả! Gặp Phật ra đời là việc khó, được thân người là khó, phát lòng tin thanh tịnh đối với giáo pháp của Phật rất khó.

Bỏ nhà xuất gia, thành Bí Sô cũng là khó, tu hành cũng khó. Các hữu tình kia biết ân, nghĩ nhớ báo ân cũng rất khó.  Chỉ thực hành được chút ít còn không mất, huống là thực hành nhiều.

Lại nữa, các hữu tình ở trong giáo pháp Như Lai có thể phát lòng tin thanh tịnh. Tin rồi, lại có thể nương vào giáo pháp mà tu hành, việc này rất là khó.

Lại nữa, các hữu tình có thể trang nghiêm bằng giáo pháp Như Lai, lại có thể giải thoát luân hồi, việc này rất là khó. Vì thế, chúng ta không nên ở trong phép Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa mong cầu Niết Bàn, mà nên ở trong pháp vô thượng đại thừa mong cầu Niết Bàn.

Lúc đó, do sự việc này, chúng hội bàn luận với nhau rồi đều phát sanh tâm thù thắng rộng lớn, nói: Chúng ta đều ở trong pháp vô thượng đại thừa, mong cầu Niết Bàn, không ưa Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa. Khi ấy, Vô Úy Thọ cùng với năm trăm trưởng giả lần lượt ra khỏi thành Xá Vệ, đến gặp Thế Tôn. Đến nơi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, nhiễu bên phải bảy vòng rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn biết việc này rồi, bảo Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả: Này các trưởng giả! Vì sao các ông đến gặp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác?

Khi ấy, Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả đều rời khỏi chỗ ngồi, trịch một vai áo, gối phải chấm đất, hướng về Phật chắp tay đảnh lễ, thưa: Bạch Thế Tôn! Vừa rồi, chúng con ngồi một chỗ, nói với nhau: Gặp Phật ra đời là việc khó, được thân người là khó, phát lòng tin thanh tịnh đối với giáo pháp của Phật rất khó, bỏ nhà xuất gia, thành Bí Sô cũng là khó, tu hành cũng khó. Các hữu tình kia biết ân, nghĩ nhớ báo ân cũng rất khó. Chỉ thực hành được chút ít còn không mất, huống là thực hành nhiều.

Lại nữa, các hữu tình ở trong giáo pháp Như Lai có thể phát lòng tin thanh tịnh. Tin rồi lại có thể nương vào giáo pháp mà tu hành, việc này rất là khó.

Lại nữa, các hữu tình có thể trang nghiêm bằng giáo pháp Như Lai, lại có thể giải thoát luân hồi, việc này rất là khó.

Vì thế, chúng ta không nên ở trong phép Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa mong cầu Niết Bàn, mà nên ở trong pháp Vô Thượng Đại Thừa mong cầu Niết Bàn.

Lúc đó, do sự việc này, chúng hội bàn luận với nhau rồi đều phát sanh tâm thù thắng rộng lớn, nói: Chúng ta đều ở trong pháp Vô Thượng Đại Thừa, mong cầu Niết Bàn, không ưa Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa. Do nhân duyên này, chúng con đến gặp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát muốn chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề nên an trụ như thế nào, học như thế nào, tu hành như thế nào?

Bấy giờ, Thế Tôn khen Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả: Lành thay! Lành thay! Các trưởng giả, rất tốt, rất tốt!

Các ông vì muốn an trụ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề nên đến gặp Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Các ông hãy lắng nghe và chú ý thật kỹ. Ta sẽ thuyết giảng cho các ông. Khi ấy, Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả vâng lời, lắng nghe.

Phật bảo các trưởng giả: Đại Bồ Tát nào muốn chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề nên an trụ như vậy, nên học như vậy, nên tu hành như vậy.

Lại nữa, Đại Bồ Tát nào muốn chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề nên đối với tất cả hữu tình phát tâm đại bi, gần gũi hết thảy, nhiếp thọ, quán sát hành động tất cả mà Đại Bồ Tát đối với thân mình không nên đắm trước, đối với vật sở hữu: Nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, thức ăn uống, y phục, xe cộ, giường tòa, châu báu, thóc lúa, hương hoa, đèn… cho đến tất cả vật thọ dụng ưa thích đều không nên tham đắm.

Vì sao?

Vì phần nhiều các hữu tình tham đắm thân mạng nên tạo nhiều nghiệp tội. Các nghiệp tạo chín muồi sẽ đọa sanh trong đường ác địa ngục. Nếu đối với tất cả hữu tình phát tâm đại bi, đối với thân mạng không tham đắm, liền được sanh vào tất cả đường thiện.

Này các trưởng giả! Vì thế, Chư Đại Bồ Tát muốn chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, đối với tất cả hữu tình phát tâm đại bi, đối với thân mạng không sanh tham đắm, đối với vật sở hữu: Nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, giường tòa, của cải, châu báu, thóc lúa, hương hoa, đèn… cho đến tất cả vật thọ dụng đều không tham đắm.

Sau đó tự xả bỏ tất cả, thực hành bố thí rộng lớn, không cầu quả báo mà an trụ giới hạnh, ba tướng thanh tịnh, tu các nhẫn nhục, có thể kham nhẫn mọi điều với tất cả hữu tình, những việc không có lợi ích cho mình đều có thể nhẫn chịu.

Mặc áo giáp tinh tấn kiên cố, thân mạng đều có thể xả bỏ, an trụ tịch tịnh, tâm chuyên chú một cảnh, xa lìa tán loạn, với thắng tuệ lựa chọn các thiện pháp, không phát sanh các kiến ngã nhân chúng sanh thọ giả.

Người, Bổ Đặc Già La, ý sanh, vì tất cả chúng sanh làm các hạnh thù thắng, vì tất cả hữu tình tác ý hành bố thí, vì tất cả hữu tình tác ý hộ giới, vì tất cả hữu tình tác ý hành nhẫn nhục, vì tất cả hữu tình tác ý phát sanh tâm kiên cố tinh tấn, vì tất cả hữu tình tác ý an trụ các môn định thù thắng, vì tất cả hữu tình tác ý tu tuệ, vì tất cả hữu tình học tập tất cả phương tiện thiện xảo.

Bấy giờ, Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả đều thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con xưa nay đối với thân mạng đều sanh tham đắm, đối với vật sở hữu: Nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, giường tòa, châu báu, thóc lúa, hương hoa, đèn… cho đến tất cả vật thọ dụng ưa thích đều sanh tham đắm.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát do quán sát điều gì mà có thể đối với thân mạng cho đến tất cả vật thọ dụng ưa thích đều không sanh tham đắm?

Nguyện xin Phật giảng cho.

Khi ấy, Thế Tôn bảo Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả: Các Đại Bồ Tát dùng vô số tướng để quán sát thân.

Thế nào là vô số?

Nghĩa là thân này không thật, do các duyên tập hợp, như những đơn vị nhỏ như cực vi hợp lại, từ đảnh đầu đến chân làn lượt bị phá hoại, chín chỗ và các lỗ chân lông bất tịnh thường chảy ra như đàn kiến bò. 

Như rắn độc ở trong rắn độc trở lại làm hại. Như oán địch, như khỉ vượn, nhiều điều khổ não. Như bạn ác thường tranh giành. Thân như bọt nước không thể tụ họp, lại như bọt nước vụt có liền tan, lại như sóng nắng phát sanh khát ái.

Lại như trong thân cây chuối không có lõi cứng.

Lại như huyễn hóa do hư vọng sanh.

Lại như nhà vua nhiều loại giáo lệnh.

Lại như oán đối thường đến dò xét.

Lại như giặc cướp không có tín nghĩa.

Lại như kẻ sát hại rất khó điều phục.

Lại như bạn ác thường không hoan hỷ.

Lại như người phá pháp ẩn mất tuệ mạng.

Lại như bạn xấu làm giảm mất pháp thiện.

Lại như làng hoang không có chủ tể.

Lại như đồ gốm cuối cùng bị phá vỡ.

Lại như hầm tiểu tiện, đầy nhẫy bất tịnh.

Lại như chỗ đại tiện thường nhiều ô uế.

Lại như loài quỷ và dòi trùng, chó… ăn nuốt các đồ bất tịnh, ưa ở chỗ hôi dơ.

Lại như vật chứa đồ ô uế lớn, từ xa cũng ngửi thấy mùi hôi thối.

Lại như mụt ghẻ độc khó lành, lở đau không thể chịu được.

Lại như tên độc ghim vào thân rất đau đớn.

Lại như gia chủ ác độc khó có thể nuôi dưỡng người hầu.

Lại như nhà dột, như ghe thủng, tuy có sửa chữa cũng bị tan rã.

Lại như đồ ngói không được bền chắc.

Lại như bạn ác thường giả vờ giúp đỡ.

Lại như cây bên bờ sông bị gió thổi lay động.

Lại như sông lớn chảy rốt cuộc về biển chết.

Lại như nhà khách nhiều thứ chống trái, phiền não.

Lại như nhà không chủ, không có sự coi ngó.

Lại như người đi tuần, thường chuyên kiểm soát.

Lại như nơi biên cương có nhiều sự quấy nhiễu.

Lại như đống cát dần dần thấp xuống.

Lại như lửa cháy lan.

Lại như biển khó vượt qua.

Lại như đất khó làm bằng phẳng.

Lại như rắn ở trong thạp, sẽ gây tổn hại.

Lại như em bé thường cần sự yêu thương.

Lại như bình bị nứt không thể dùng được.

Lại như nơi xấu ác thường đáng lo ngại rối loạn.

Lại như thức ăn lẫn chất độc thường nên xa lìa.

Lại như người đi xin, được vật rồi lại bỏ đi.

Lại như xe lớn chở vật rất nặng…

Chỉ có các bậc trí đối với pháp hiểu rõ, mới biết như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả! Đại Bồ Tát quán sát thân này, ban đầu do đâu mà có?

Nghĩa là thân này do tinh cha huyết mẹ hợp lại mà có, lại do thọ nhận các thức ăn uống. Thức ăn vào rồi lại biến hoại, tích tụ liền tan nát, nhờ vào sự tiêu hóa lưu thông thấm nhuần cơ thể, cuối cùng trở lại thành bất tịnh.

Sau đó, hỏa đại tăng mạnh, nấu đốt biến thành chín.

Cuối cùng trở về phong lực, do phong lực này có phần biến thành chất cặn bã, phần khác lưu thông thấm nhuần cơ thể. Chất cặn bã là phần đại tiểu tiện.

Phần lưu thông thấm nhuần gọi là máu, máu biến thành thịt, thịt thành mỡ, mỡ thành xương, xương thành tủy, tủy thành tinh v.v… mới thành thân bất tịnh này.

Bồ Tát quán thân bất tịnh này nên mới tư duy: Thân này do nhiều thứ tập hợp, tên gọi, tướng trạng khác nhau, nghĩa là: Ba trăm xương, sáu mươi mỡ lá và mỡ nước, hiệp lại thành bốn trăm màng mỏng, năm trăm múi thịt, sáu trăm não, bảy trăm mạch máu, chín trăm gân, mười sáu xương sườn.

Lại có ba việc: Bên trong là các bộ phận thục tạng, có mười sáu ruột quấn nhau, hai ngàn năm trăm mạch máu thông suốt nhau, một trăm lẻ bảy đốt, tám mươi vạn ức lỗ chân lông, đầy đủ năm căn, chín lỗ, bảy tạng đầy nhẫy bất tịnh.

Tủy có một vốc, não một vốc, mỡ lá có ba vốc, đàm ấm có sáu vốc, cặn bã có sáu vốc. Nhờ phong lực, máu lưu thông có một đấu. Như vậy tất cả đều đầy nhẫy.

Có bảy mạch nước vây quanh và các chất bổ. Bên trong, hỏa đại tăng mạnh, đốt nấu làm cho nóng bức, mệt nhọc, mồ hôi trong thân chảy ra.

Các tướng như vậy rất khó thấy được. Thân thể bất tịnh, ô uế như vậy, làm sao có thể phát sanh tâm tham ái được. Như người đi xin, được đồ vật rồi lại bỏ đi. Lại như xe lớn chở đồ rất nặng. Chỉ có người trí hiểu rõ các pháp nên biết như vậy.

Phật liền nói kệ tụng:

Thân này hợp nhiều thứ bất tịnh

Người ngu không trí, không biết rõ

Phát sanh mạnh mẽ tâm tham ái

Như bình dơ vỡ nhiều hôi thối

Tai, mắt, miệng, mũi đều ô uế

Làm sao có thể thơm sạch được?

Ghèn, nước dãi, cứt ráy, nước mũi

Các trùng ô uế sao ưa mến?

Ví như người ngu lấy than củi

Ra sức mài giũa muốn làm trắng

Than hết, mỏi mệt, không thể trắng

Vô trí tham vọng cũng như vậy

Như người ý muốn được thanh tịnh

Phần nhiều lo trau chuốt thân này

Trăm cách tắm gội và thoa hương

Chết rồi thân rã thành bất tịnh.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả: Các trưởng giả nên biết! Đại Bồ Tát muốn chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, nên quán sát thân này có bốn mươi bốn tướng.

Thế nào là bốn mươi bốn?

Nghĩa là:

Đại Bồ Tát quán sát thân này thật là đáng chán bỏ.

Bồ Tát quán thân không thể ưa thích vì không ích lợi gì.

Bồ Tát quán thân rất là hôi dơ, máu mủ chảy tràn, nên Bồ Tát quán thân thật không bền chắc, cuối cùng bị tan hoại.

Bồ Tát quán thân thể tánh suy yếu, gân xương liền nhau.

Bồ Tát quán thân bất tịnh, ô uế thường chảy.

Bồ Tát quán thân như huyễn, phàm phu ngu muội phát sanh tướng dối trá, loạn động.

Bồ Tát quán thân nhiều chỗ rỉ ra vì có chín lỗ thường chảy rỉ.

Bồ Tát quán thân lửa đốt hừng hực, nghĩa là lửa tham thiêu đốt, lửa sân dữ dội, lửa si mê ám.

Bồ Tát quán thân thường bị lưới tham, sân, si, lưới ái che phủ liên tục.

Bồ Tát quán thân nương vào các lỗ vì chín lỗ và các lỗ chân lông khắp thân thường rỉ ra chất dơ.

Bồ Tát quán thân nhiều loại khổ não vì bốn trăm lẻ bốn bệnh thường tăng làm tổn hoại.

Bồ Tát quán thân là hang ổ chứa tám vạn bốn ngàn hộ trùng.

Bồ Tát quán thân vô thường, cuối cùng cũng trở về sự chết.

Bồ Tát quán thân là vật vô tri, đối với pháp không biết gì.

Bồ Tát quán thân như đồ dùng do các duyên hợp thành, cuối cùng cũng tan hoại.

Bồ Tát quán thân bị bức bách vì nhiều sự ưu não.

Bồ Tát quán thân không chỗ hướng đến, vì cuối cùng bị già chết.

Bồ Tát quán thân hay che dấu làm những việc dối trá.

Bồ Tát quán thân như đất, khó bằng phẳng.

Bồ Tát quán thân như lửa vì ham mê sắc nên bị ràng buộc.

Bồ Tát quán thân không nhàm chán vì chạy theo ngũ dục.

Bồ Tát quán thân tan hoại vì bị phiền não làm chướng ngại.

Bồ Tát quán thân không có phần vị nhất định, tùy theo lợi ích mà biểu hiện sự tiếp thu.

Bồ Tát quán thân không có duyên nào chính phụ, vì không có nguồn gốc.

Bồ Tát quán thân tâm ý rong ruổi vì các duyên tác ý quán xét.

Bồ Tát quán thân lúc xả bỏ, cuối cùng quăng nơi thi lâm.

Bồ Tát quán thân bị thú dữ ăn thịt, chim thứu, sói ăn nuốt.

Bồ Tát quán thân như ảnh hiện ở trong mâm gương đồng, gân xương nối tiếp nhau.

Bồ Tát quán thân không có gì luyến tiếc, lúc trút hơi thở cuối cùng máu mủ chảy tràn.

Bồ Tát quán thân tham đắm vị ngon ngọt của thức ăn uống.

Bồ Tát quán thân cực nhọc, không lợi ích gì vì là pháp vô thường sanh diệt.

Bồ Tát quán thân như bạn ác, sanh các tà kiến.

Bồ Tát quán thân như kẻ sát hại, càng gặp nhiều càng tăng thêm khổ.

Bồ Tát quán thân là pháp khổ, bị ba khổ bức bách, là: hành khổ, hoại khổ, khổ khổ.

Bồ Tát quán thân là tập hợp các khổ, năm uẩn xoay chuyển, không có chủ tể.

Bồ Tát quán thân không được tự tại, do các duyên hợp thành.

Bồ Tát quán thân không thọ mạng, xa lìa tướng nam nữ.

Bồ Tát quán thân là không tịch, do các uẩn, xứ, giới hợp thành.

Bồ Tát quán thân là hư giả, như mộng.

Bồ Tát quán thân không thật vì như huyễn.

Bồ Tát quán thân tán loạn như sóng nắng.

Bồ Tát quán thân là rong ruổi, như tiếng vang.

Bồ Tát quán thân do hư vọng sanh, như hình bóng.

***