Kinh Đại thừa

Bộ Đại Tập

PHẬT THUYẾT

KINH XÁ LỢI PHẤT VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Già Đà Da Xá
 

Tôi nghe như vậy!

Một lúc nọ, đức Phật cùng với Chúng Tăng gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị ở dưới tàng cây Âm Nhạc tại thành La Duyệt Kỳ, các vị ấy đều đã giải thoát hoàn toàn các kiết sử, danh tiếng vang khắp mười phương, tám bộ quỷ thần đều muốn nghe pháp.

Tôn Giả Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Phật là Đấng Pháp Vương, thuyết pháp tùy theo sở thích của chúng sanh, làm cho Trời Người cung kính phụng trì, hoặc có người nghe rồi truyền đạt lại cho người khác nghe, có người thực hành, có người không thực hành. Vậy thế nào gọi là người thực hành pháp.

Thế nào gọi là người không thực hành pháp?

Đức Phật nói: Lành thay! Ông có thể vì chúng sanh mà hỏi như vậy. Hãy chú ý lắng nghe, ta sẽ giảng nói cho ông.

Phàm người thực hành pháp, có người được nghe mà hành trì, có người được nghe nói lại mà hành trì, đều được gọi là Tăng. Như Tỳ Kheo Bảo Sự nghe Như Lai dạy các hành vô thường liền quán sát sự sanh diệt, đoạn trừ các hữu lậu, đúng là đệ tử của ta. Đó là người thực hành pháp.

Người nghe người khác nói lại, như Tỳ Kheo Quán Thân nghe ông nói hoặc Ca Lưu Đà Di nói uống rượu là mở cửa buông lung, gây trở ngại lớn cho việc hành đạo, liền nhập vào tam muội vô tránh, được kiến đạo, dứt sạch tập khí phiền não.

Người thực hành pháp của ta thì không thực hành phi pháp. Người thực hành phi pháp gọi là không thực hành. Đó là người phi pháp, chẳng phải đệ tử của ta. Người ấy bị lạc vào rừng rậm tà kiến.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch đức Phật: Bạch Thế Tôn! Giới Luật mà Ngài dạy cho các Tỳ Kheo, hoặc mở, hoặc ngăn, như khi trưởng giả Hốt Khởi sắm sửa phẩm vật dâng cúng, Ngài ngăn các Tỳ Kheo không cho ăn sáng, khi được người làng thỉnh, lại cho ăn cơm cá thịt, khi người làng Tần Phú thỉnh lại không cho ăn cơm, chỉ cho ăn cháo loãng.

Khi được Vua Tần Bà Sa La thỉnh lại cho phép ăn cơm no nê, khi được Xiển Đà Sư Lợi thỉnh lại cho phép được ăn nhiều lần ở nhiều nhà và đều không được ăn no.

Sau này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di phải làm sao để thực hành những lời ấy?

Đức Phật nói: Như lời ta dạy là tùy thời. Vào lúc này thì nên thực hành lời này, vào lúc kia thì nên thực hành lời kia. Do muốn được lợi ích nên đều phải phụng hành. Khi ta đã nhập Niết Bàn, Đại Ca Diếp… phải cùng nhau phân biệt, làm chỗ y chỉ cho Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni giống như ta.

Ca Diếp sẽ truyền trao cho A Nan, A Nan sẽ truyền trao cho Mạt Điền Địa, Mạt Điền Địa lại truyền cho Xá Na Bà Tư, Xá Na Bà Tư lại truyền cho Ưu Ba Cấp Đa.

Sau đó, có Vua Khổng tước thâu kha truyền bá Kinh Luật rộng khắp.

Cháu của vị ấy tên Phất Sa Mật Đa La lên nối ngôi, hỏi các bề tôi: Làm sao để tên tuổi và sự nghiệp của ta không bị mai một?

Có bề tôi tâu chỉ có hai việc:

Một là làm như Tiên Vương tạo tám vạn bốn ngàn ngôi tháp, đem hết của cải của đất nước cúng dường Tam Bảo.

Hai là nếu không làm như trên thì làm ngược lại, phá huỷ tháp, tiêu diệt Phật Pháp, tàn hại bốn chúng, như vậy thì tuy mang tai tiếng cực ác nhưng không bị người đời lãng quên.

Vua nói: Ta không có oai đức để sánh với Tiên Vương, ta phải làm theo cách thứ hai để lưu danh muôn thuở.

Vua liền điều khiển bốn Bộ binh tấn công Chùa Kê Tước. Hai con Sư Tử chùa ấy gầm rống rung động mặt đất khiến Vua hết sức kinh sợ, bỏ chạy vào thành. Trông thấy cảnh ấy, dân chúng than khóc đầy đường.

Vua càng thêm tức giận, tự mình không dám bước vào mà xua binh khiển tướng thình lình xông vào giết hại, ra lệnh tập họp bảy chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di lại một chỗ và hỏi:

Phá bỏ tháp có tốt không?

Phá bỏ phòng ốc có tốt không?

Mọi người đều nói: Xin đừng phá bỏ vật gì cả, nếu không được vậy thì xin chỉ phá bỏ phòng ốc.

Vua càng thêm giận dữ nói: Vì sao không được?

Nhân đó Vua liền giết hại tất cả không kể già trẻ, làm máu chảy thành sông. Vua hủy hoại cả thảy hơn tám trăm chùa tháp.

Các Ưu Bà Tắc rầu rĩ kêu gào than khóc. Vua liền bắt nhốt họ và ra sức đánh đập, trừng phạt. Năm trăm La Hán lên Nam Sơn lánh nạn. Hang núi nơi ấy sâu rộng, hiểm trở nên quân đội không thể đến.

Vua sợ không thể trừ sạch nên thông báo với các nước: Nếu nhận được một thủ cấp của các vị ấy thì sẽ thưởng ba ngàn tiền vàng.

Vị A La Hán Quân đồ bát thán là người được Phật phó chúc hoá thành vô số người cầm vô số đầu của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đi nhận vàng ở khắp nơi làm cho hết thảy các kho tàng của Vua đều trống rỗng.

Vua càng thêm giận dữ. Quân đồ bát thán hiện thân nhập vào định diệt tận. Vua đích thân làm hại vị ấy nhưng nhờ định lực hộ trì nên vị ấy không hề bị thương tổn.

Kế đó, Vua lại cho thiêu đôt đài chứa Kinh. Lửa mới bắt đầu cháy thì gió lớn đã thổi lửa lan đến Kinh. Bồ Tát Di Lặc liền dùng diệu lực thần thông mang Kinh Luật lên Cung Trời Đâu Suất.

Kế đến, Vua cho phá tháp thờ răng.

Thần tháp nói với Thần Trùng Hành: Trước đây ông xin con gái của ta, ta khinh thường nên không cho. Nay nếu thề nguyện hộ pháp, điều phục tâm Vua thì ta sẽ gả con gái cho.

Thần Trùng Hành vui mừng liền dùng tay nâng hòn núi lớn đè Vua và bốn bộ binh chết cùng một lúc. Con cháu của Vua cũng đều chết hết.

Về sau có vị Vua tâm tánh rất lương thiện lên ngôi. Bồ Tát Di Lặc hóa làm ba trăm thiếu niên hạ xuống nhân gian để cầu Phật Đạo, theo năm trăm La Hán học hỏi giáo pháp. Các nam nữ trong nước lại cùng nhau xuất gia, số lượng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ngày càng thêm đông. Các vị La Hán bay lên trời tiếp nhận Kinh Luật mang về lại nhân gian.

Bấy giờ, có vị Tỳ Kheo tên Tổng Văn nhờ các vị La Hán và Quốc Vương phân chia Kinh Luật thành nhiều phần, lập ra thư quán để ai thích học hỏi thì nghiên cứu.

Khi đó, có một vị Tỳ Kheo cao tuổi rất thích danh tiếng nên đưa ra tranh luận, sao chép, sửa đổi Luật của ta làm cho rộng thêm. Luật mà Ca Diếp kiết tập gọi là Luật Đại Chúng, còn Luật mà Tỳ Kheo nọ đưa ra thì lừa dối người mới học, lập thành phe nhóm khác, nói chuyện phải trái.

Lúc này, có một vị Tỳ Kheo xin Vua phán quyết.

Vua tập hợp hai nhóm lại cho phát thẻ trắng, đen và thông báo: Nếu ai thích Luật cũ thì hãy bốc thẻ đen. Ai thích Luật mới thì hãy bốc thẻ trắng.

Lúc ấy, người bốc thẻ đen lên đến hàng vạn, người bốc thẻ trắng chỉ có vài trăm. Vua cho cả hai loại đều do Đức Phật nói và những người có sự ưa thích không giống nhau thì không được ở chung chỗ. Những người theo Luật cũ nhiều nên Luật ấy được gọi là Ma Ha Tăng Kỳ. Số người học Luật mới ít và là những vị thượng toạ nên có tên là Thượng Tọa, là Tha Tỳ La, Bộ Tha Tỳ La.

Trong ba trăm năm, do tranh cãi nên pháp của ta lại phát sanh ra Bộ Tát Bà Đa và Bộ Độc Tử.

Từ Bộ Độc Tử lại sanh ra các Bộ như Đàm Ma Úy Đa Biệt Ca, Bộ Bạt Đà La Da Ni, Bộ Sa Ma Đế, Bộ Sa Na Lợi Ca.

Từ Bộ Tát Bà Đa lại sanh ra Bộ Di Sa Tắc, Bộ Mục Kiền La Ưu Bà Đề Xá, Bộ Đàm Vô Khuất Đa Ca, Bộ Tô Bà Lợi Sư.

Bộ Tha Tỳ La Lại sanh ra Bộ Ca Diếp duy và Bộ Tu Đa Lan Bà Đền Na.

Trong bốn trăm năm, lại sanh ra Bộ Tăng Già Lan Đề Ca, Bộ Ma Ha Tăng Kỳ.

Trong khoảng hai trăm năm sau khi ta diệt dộ, do sự tranh luận lại phát sanh Bộ Tỳ Bà Ha La, Bộ Lô Ca Úy Đa La, Bộ Câu Câu La, Bộ Bà Thâu Lâu Đa Ha, Bộ Bát Lạp Nhã Đế Bà Da Na.

Trong khoảng ba trăm năm, do sự học khác nhau, từ năm Bộ này lại sanh ra Bộ Ma Ha Đề Bà, Bộ Chất Đa La, Bộ Mạt Đa Lợi.

Phần lớn các Bộ như vậy lưu truyền mãi về sau, có Bộ đúng, có Bộ sai.

Chỉ có năm Bộ đưa ra sở trường và tạo nên màu sắc y phục khác nhau.

Bộ Ma Ha Tăng Kỳ siêng học các Kinh, giảng giải ý nghĩa chân chánh và vẫn ở chổ cũ của mình, do vậy nên mặc y vàng.

Bộ Đàm vô khuất đa ca thông đạt nghĩa lý, giảng đạo làm lợi ích mọi người, để tỏ rõ sự thù thắng nên mặc y đỏ.

Bộ Tát bà đa thông đạt giáo pháp dùng đạo để giáo hóa nên mặc y màu đen.

Bộ Ca Diếp duy siêng năng, dũng mãnh, thu phục chúng sanh nên mặc y màu mộc lan.

Bộ Di Sa Tắc Tọa Thiền, tư duy nhập vào định vi diệu, an lạc nên mặc y màu xanh.

Tỳ Kheo La Tuần Dụ khất thực không được thức ăn. Sau đó, vị ấy lần lượt mặc năm loại y trên liền được rất nhiều thức ăn.

Vì sao?

Do đời trước vị ấy có tánh keo kiệt, thấy Sa Môn liền vội vàng đóng cửa và nói: Chủ nhà đi vắng. Khi thấy người khác bố thí, cúng dường thì vui mừng phát nguyện làm Sa Môn.

Vì thế đời này, tuy được xuất gia nhưng phải chịu cùng cực như vậy. Tuy xuất gia trong pháp của ta nhưng mặc toàn vải rách và y nhặt ở bãi tha ma. Vì Tỳ Kheo La tuần dụ nên ta cho mặc các loại y.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Vì sao chỉ trong thời gian ngắn mà chánh pháp của Như Lai lại bị phân tán như vậy, đã mất vị gốc thì làm sao phụng trì?

Đức Phật nói: Ma Ha Tăng Kỳ có vị hoàn toàn chân chánh. Các Bộ khác như cam lồ có lẫn nước. Chư Thiên uống chất đó chỉ uống cam lồ và loại bỏ nước đi. Người thế gian uống chất đó thì uống cả nước lẫn cam lồ nên có lúc hết bệnh, có khi lại thêm bệnh.

Người đọc tụng cũng giống như vậy. Người có nhiều trí tuệ thì có thể lấy, có thể bỏ. Người ngu si thì không thể phân biệt.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi:

Như Lai đã dạy: Nếu ở xứ lạnh thì cho phép các Tỳ Kheo mặc y phục của thế tục và trùm đầu.

Tỳ Kheo Ca Na đi trong làng Đại Lâm, gặp lúc trời rất lạnh, chim thú chết hết, người trong làng đưa vị ấy áo thế tục, Thế Tôn bắt vị ấy sám hối, đó là vì sao?

Đức Phật nói: Được mặc ở bên trong nhưng phải nhuộm hoại sắc.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi:

Vì sao Thế Tôn thường nói: Các Tỳ Kheo không được đặt bát trên mặt đất mà phải đặt trên vật sạch. Nếu không có vật sạch thì phải đặt trên lá cỏ, lá cây.

Tỳ Kheo Quân Thâu Kha cùng quyến thuộc của vị ấy nhận lời thỉnh của Vua Nhựt Nan, để bát trên tấm ván sạch, vì sao Thế Tôn lại rầy vị ấy: Đó là việc làm của ma ác, chẳng phải là người hành pháp?

Thế Tôn đáp: Ta nói dùng vật sạch không dơ bẩn để đặt bát. Nếu không có vật sạch thì dùng lá cây cỏ, dùng một lần rồi bỏ, không được dùng vỏ cây và gỗ vì bên trong các thứ ấy có chứa chất nhựa, hoặc keo hoặc sơn nên chúng dính bụi. Nếu chúng đã khô ráo thì do vốn sẵn có nên khi trời nóng ẩm chúng liền rịn ra.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã cho phép các Tỳ Kheo nhận thức ăn mà thí chủ cúng tại nhà hoặc đem đến Tinh Xá.

Vậy vì sao Tỳ Kheo Lan Nhã Đề nhận lời thỉnh của trưởng giả Vô Uý lại bị Như Lai rầy là người gỗ, người đất không đáng ăn thức ăn của người?

Đức Phật nói: Do phạm oai nghi, khi nhận thức ăn, chỉ dùng mắt ngó mà không dùng tay nhận. Phạm Chí ngoại đạo còn biết thọ nhận huống là đệ tử của ta mà sao không nhận thức ăn. Chẳng phải chỉ có thức ăn, đối với tất cả các vật khác đều phải thọ nhận trừ vật báu và người nữ.

Lúc tác pháp cần phải dùng y trên thân trao nhận. Nếu là đồ vật bằng vàng thì phải đem cho người khác.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế Tôn đã nói pháp ngăn, không cho uống rượu, dù chỉ uống chút ít như hạt rau đay cũng là phá giới, mở cửa buông lung.

Vì sao trong Tinh Xá ở vườn Trúc Ca Lan Đà có một Tỳ Kheo bị bệnh, trải qua một năm, bệnh trở nên nguy khốn làm vị ấy gần chết?

Khi ấy, Tôn Giả Ưu Ba Ly hỏi: Thầy cần thuốc gì tôi sẽ kiếm cho. Dù cho thuốc ấy ở trên trời hay dưới đất hoặc ở khắp mười phương, nếu thầy cần dùng tôi đều có thể kiếm được.

Đáp: Do thuốc tôi cần dùng trái với Tỳ Ni nên tôi không tìm, thà mất mạng chứ quyết không phạm Luật.

Ưu Ba Ly nói: Đó là thuốc gì vậy?

Đáp: thầy thuốc bảo cần năm thăng rượu.

Ưu Ba Ly nói: Nếu bệnh thì Như Lai cho phép.

Sau khi xin được rượu và uống xong thì bệnh tật tiêu trừ. Vị ấy liền hổ thẹn nghĩ mình phạm Luật nên đến chỗ Đức Phật thành tâm sám hối.

Đức Phật liền thuyết pháp cho vị ấy nghe. Nghe pháp xong, vị ấy hoan hỉ, đắc đạo A La Hán.

Đức Phật nói: Rượu có nhiều lỗi lầm, mở cửa phóng dât. Dù chỉ uống chút ít như hạt rau đay cũng đã phạm tội, nếu để chữa bệnh thì không ngăn cấm.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật:

Như Lai thường nói: Không được giết hại chúng sanh dù là vật nhỏ như con kiến. Vậy mà ngày tám tháng chạp, ở bờ sông Trường Thuỷ thuộc nước Xá Vệ, khi đấu phép thuật với ngoại đạo Thâu Lệ, Như Lai dùng sức thần thông chiến thắng ông ta. Ông ấy hổ thẹn gieo mình xuống sông tự vẫn.

Chính mắt Như Lai thấy ông ta bị chìm nhưng không cứu giúp, như thế không phải là sát sanh sao?

Đã vậy, Thế Tôn lại còn nói với mọi người: Thâu Lệ mang pháp ác này làm mê hoặc chúng sanh. Nghiệp lành đời trước đã chín, ông ấy huỷ bỏ thân xấu ác này để được sanh làm thân người hiền lành không vui sao. Vào ngày hôm nay, các đệ tử của ta phải tắm rửa sạch sẽ để tẩy sạch sự dơ bẩn trên thân, trừ bỏ thân kiến. Nếu thân sạch sẽ thì tâm cũng thanh tịnh, cũng như người có kiết sử thì không có từ bi.

Đức Phật nói: Này Đại Trí, ông có thể vì những người chưa thông đạt mà hỏi điều quan trọng này. Trong vô số đời, ngoại đạo Thâu Lệ đã chứa nhóm tà kiến, thề làm chướng ngại chánh pháp.

Ngày xưa, vào thời Đức Phật Đăng Minh, ta thực hành hạnh Bồ Tát, khi đi qua một làng nọ có nhiều người bệnh hủi, người chết nằm la liệt, ta hái các loại thuốc tùy nghi cứu giúp làm cho họ đều được khỏi bệnh.

Trong số đó có một người tên Bất Đới là người Phạm Chí tự phụ cho mình có nhiều tài năng, không chịu dùng thuốc ấy. Đến khi sắp chết, ông ấy lại cầu cứu ta.

Ta bảo: Trước đây có thể chữa trị thì đưa thuốc không chịu nhận, nay sắp chết thì lại đến xin, bệnh tình của ông hiện nay chẳng thuốc nào có thể chữa trị được.

Bất đới nói: Hôm nay ta không thể hơn thua với ông được. Nguyện trong đời vị lai ta sẽ cùng ông quyết đấu. Nếu thua, ta sẽ tự sát để sanh làm đệ tử ông. Nếu ông thua ta thì ông phải làm người hầu của ta.

Lúc ấy, ta nói: Lành thay! Lành thay.

Vì thế đời này, ông ấy gặp ta ở nơi này, khi sắp chết, nghiệp lành chín mùi hợp với lời thề xưa, ông ấy nói năng không có chứng cứ, hổ thẹn với quyến thuộc nên gieo mình xuống sông tự tử. Thân tuy chết nhưng do tâm đã phát nguyện lành, ông ấy sẽ sanh trong pháp của ta.

Do có sự thăng tiến như vậy nên ta không cứu.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Trong lúc nói giới thì Phật bảo các đệ tử sửa áo bày vai phải. Khi nói Kinh Thành dụ cho những người ở thôn Ca Diếp, Phật lại bảo các đệ tử hãy sửa áo cà sa cho ngay ngắn, che hết hai vai đừng để lộ cơ bắp làm cho trên dưới tề chỉnh hiện tướng ruộng phước, bước đi thong thả, đừng để lộ hông ngực.

Vậy làm sao chúng con hành trì hai lời này được?

Đức Phật nói: Khi làm việc tu tập, cúng dường, cần phải bày vai phải để dễ làm việc. Khi làm ruộng phước, cần che kín hai vai để hiện tướng ruộng phước.

Thế nào là làm việc tu tập, cúng dường?

Như lúc gặp Phật, lúc thăm hỏi thầy và Chúng Tăng, hoặc lau giường, hoặc quét đất, hoặc xếp y áo, hoặc sắp đặt giường chiếu, hoặc trồng hoa trên đất bùn, hoặc cưa bớt chân giường cao, hoặc rưới nước, hoặc làm các công việc cúng dường khác…

Thế nào là lúc làm ruộng phước. Đó là lúc được Quốc Vương thỉnh thọ thực, vào làng khất thực, toạ thiền, tụng Kinh, kinh hành, ngồi bên gốc cây để cho mọi người được chiêm ngưỡng sự trang nghiêm.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tám bộ quỷ thần vì sao sanh trong đường ác mà thường được nghe chánh pháp?

Đức Phật bảo: Do hai loại nghiệp.

Một là do nghiệp ác nên sanh vào đường ác.

Hai là do nghiệp lành nên được nhiều an lạc.

Lại hỏi: Hai đường thiện ác khác nhau mà có thể hoà chung được sao?

Đức Phật nói: Cũng có thể được. Vì thế tám bộ quỷ thần đều là Phi Nhân. Lý do họ làm Thiên Thần là vì đời trước đem xe, kiệu, nhà cửa, thức ăn uống cúng dường Tam Bảo, cha mẹ và những người hiền đức nhưng vẫn còn keo kiệt, nhỏ mọn, dua nịnh, ganh ghét nên được thân Thiên Thần như Thiên Thần Phổ quang tịnh thắng…

Long Thần ở hư không thì do tu đức, thực hành bố thí Ba la mật một cách rộng rãi, mà không dựa vào chánh niệm, tánh dễ nổi sân nên thọ thân Phi Nhân như Long Vương Ma Ny Quang…

Thần Dạ Xoa do thích bố thí rộng rãi, hoặc trước gây tổn hại sau đó lại làm lợi ích, tùy theo công đức nhiều ít mà ở trên trời, trên hư không hay ở dưới đất.

Càn Thát Bà thì do đời trước ít sân hận, thích bố thí dùng hoa sen xanh trang điểm, tấu các loại âm nhạc nên nay làm Thần, thường tấu các loại âm nhạc cho chư thiên nghe.

Thần A Tu La do trước đây có ý chí mạnh mẽ, không tùy hỷ với các loại phước thanh tịnh mà người bạn lành đã làm, thích theo những người tà kiến làm các loại phước không chân chánh, thân cận với thầy tà, rất thích bố thí, lại thích xem người khác tranh cãi nên thọ thân hiện nay.

Thần Ca Lâu La do trước kia tu hạnh buông xả, thường có tâm kiêu ngạo, do coi thường đồ vật nên mang thân hiện nay.

Thần Khẩn Na La xưa kia thích khuyên người phát tâm Bồ Đề, nhưng ý chí chưa chân chánh, theo các hạnh tà nên mang thân hiện nay.

Thần Ma Hầu La Già do bố thí, ủng hộ chánh pháp nhưng tánh ưa sân hận nên mang thân hiện nay.

Nhơn, Phi Nhân… đều do nương tựa vào thầy tà, đi theo con đường xấu ác, nịnh hót, dùng tà đạo làm rối chánh đạo và cho rằng đều là đạo do mình kiến lập.

Phàm là đạo xuất thế thì không xen lẫn những lời dua nịnh của tà ma. Những lời dua nịnh ấy không thể đưa ta ra khỏi sanh tử mà dẫn ta vào đường ác. Lời nói của người tà vạy, dua nịnh mới nghe qua thì giống như chánh đạo nhưng xét kĩ thì không phải.

Người nào nương vào chánh pháp và thực hành chánh pháp sẽ được năng lực Phật, Pháp, Tăng giúp cho được giải thoát vô vi. Ai nương vào pháp tương tự hoặc nương vào thầy tà thì sẽ trói buộc trong sanh tử, vĩnh viễn trôi lăn trong đường ác. Kẻ vô tri này chẳng cầu xuất thế, bị rơi vào lưới tà kiến.

Thầy tà là người đọc các Kinh nhưng dùng nghiệp tà để khoa trương trình độ sai lạc của mình, đưa ra pháp dua nịnh tà vạy làm mê hoặc người phàm để cầu được kính ngưỡng. Điều phi nhân biết thì nói là ta biết, phi nhân chứng đắc thì nói là ta chứng đắc.

Khi có người hỏi: Ông biết gì, chứng đắc gì?

Thì người ấy đáp: Thiên Thần ở trên hư không, bạn bè khuất mặt bí mật nói cho tôi nghe.

Có khi người ấy lại nói rằng: Năm ấy, tháng ấy có lợi có hại, những việc chẳng lành xuất hiện, cần phải đề phòng và cầu cứu, pháp này sẽ diệt mất, pháp khác phát triển, tôi được, ông mất.

Người ấy lừa dối như vậy, những người thế tục có kiến thức nông cạn không thể tư duy sâu xa về gốc đạo đức, theo đuổi ngọn tà kiến làm mất chánh kiến, làm các việc tà, sống trên tiền bạc, lụa là. Chết bị đọa vào đường ác, bị kéo lưỡi, nuốt đồng suốt trăm ngàn vạn năm.

Sau đó làm súc sanh cũng trong vô số năm, kế tiếp lại sanh làm quỷ ở núi rừng, nơi hoang vắng, sông, biển, nhà cửa, vẫn thích lừa gạt không biết mệt mỏi.

Hoặc làm mê hoặc người đi đường khiến họ lạc đường, hoặc mượn xác các ông đồng bà cốt để nói những lời tà ngụy, dùng hình dạng trước khi mất để doạ nhiều người.

Thật là đáng khinh ghét! Thường cầu xin thức ăn uống của người, không hề biết chánh pháp. Nếu gặp đệ tử nào của ta có tâm chánh trực, không mất chánh niệm, nghe liền quở trách thì mới cảm phục.

Nếu gặp đệ tử nào sợ hãi, dễ mất hồn thì chúng sẽ theo người ấy để tìm cách làm hại. Chúng tìm cầu ở ngàn vạn nơi không hề biết chán.

Người như vậy không có tướng trượng phu, bị tà kiến quấy nhiễu, chết đoạ vào đường ác, thật là đáng thương.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Có phải tám bộ quỷ thần nương hư không thì làm Thần hư không, nương mặt đất thì làm Thần mặt đất không?

Đức Phật nói: Chỉ có Thần Đất như Tịnh Hoa Quang… trong thời quá khứ thích tu bố thí, nhưng hay sân hận, thích uống rượu, ưa ca múa cho nên làm Thần này, mặc y áo toàn màu trắng, sạch sẽ không dơ bẩn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật:

Vì sao Như Lai bảo Trời Đế Thích và bốn Đại Thiên Vương: Không bao lâu nữa, sau khi ta diệt độ, các ngươi phải ở nơi này hộ trì chánh pháp của ta.

Sau khi ta diệt đô, bốn Đại Tỳ Kheo Ma Ha Ca Diếp, Tân Đầu Lô, Quân Đồ Bát Thán, La Hầu La sẽ ở lại không nhập Niết Bàn để truyền bá chánh pháp của ta?

Đức Phật nói: Chỉ vì thời tượng pháp tín căn mỏng manh, tuy phát lòng tin nhưng không chắc chắn, không thể cảm hoá. Đệ tử chư Phật tuy chuyên cần nhiều năm nhưng không bằng khởi một niệm lành khi Phật còn tại thế. Phát tâm rồi, họ lại ân hận đến nỗi không có hai hướng.

Ông hãy làm chứng cứ để làm tăng lòng tin của họ, tùy theo nghiệp của họ dày hay mỏng mà hiển bày hình tượng Phật và Tăng, hoặc nói trên hư không, hoặc tạo ánh sáng cho đến báo mộng để làm cho tâm họ trở nên kiên cố. Khi Di Lặc hạ sanh thì ông được phép nhập Niết Bàn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Như Lai xuất hiện ở đời, trong hai mươi năm đầu, độ các đệ tử, không thường xuyên ban phát, chỉ tùy theo nhu cầu mà ban phát.

Từ hai mươi năm trở về sau, Như Lai mới cho nhiều vật như thế nghĩa là sao?

Đức Phật nói: Có người con của một trưởng giả tên Phân Nhã Đa La, vốn có thiện căn sanh vào nhà Bà La Môn, ưa thích xuất gia tu đạo vô thượng. Cậu ấy đến Tinh Xá Thiên Vương ở làng Ba Liên Phất xin thọ giới Cụ Túc với Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên nói: Ông hãy sám hối bảy ngày bảy đêm về những tội trước đây cho thật thanh tịnh, không còn chướng ngại rồi ta sẽ xin Chúng Tăng cho ông thọ Tỳ Kheo.

Phân Nhã Đa La nói: Làm sao biết được chướng ngại đã hết?

Làm sao biết được con thọ giới đắc giới?

Cầu xin chư Phật gia hộ cho con sạch hết tội và được thấy tướng đắc giới.

Đức Phật bảo: Chỉ cần ông thành tâm thì sẽ tự thấy.

Phân nhã bạch Phật: Xin vâng theo lời dạy của Thế Tôn.

Cả ngày lẫn đêm, cậu ấy thành khẩn sám hối, đến đêm thứ năm, ở trong thất ấy bỗng tuôn mưa các loại đồ vật như khăn hoặc lụa hoặc phất trần, chổi quét, dao, búa, chày, cái nạo, lần lượt rơi xuống trước mặt cậu ấy. Phân Nhã Đa La vui mừng khởi tâm mong cầu đắc quả.

Khi đã đủ bảy ngày, vị ấy bạch đầy đủ với Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên hỏi ta, ta bảo: Đó là các vật dùng phủi bụi và cắt gọt, biểu hiện tướng xa lìa trần cấu. Hãy cho cậu ấy thọ Tỳ Kheo vì đã đủ duyên lành. Phàm người thọ giới, tùy theo năng lực của người ấy mà truyền giới, không cần hạn chế việc này, không cần đầy đủ việc nọ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có các đàn việt xây dựng Tinh Xá và cung cấp đầy đủ các vật dụng. Đời sau có người giả dạng xuất gia, chẳng phải thời mà đến gặp vị Tăng trông coi kho thức ăn để xin thức ăn và ăn.

Người cho thức ăn và người nhận thức ăn ấy mắc những tội gì?

Đàn việt ấy được những phước gì?

Đức Phật nói: Người ăn phi thời là người phá giới, là người phạm tội ăn trộm. Người cho chẳng đúng thời cũng là người phá giới và phạm tội ăn trộm. Ăn trộm vật của đàn việt là lấy của không cho, chẳng phải ý của thí chủ, thí chủ không có phước vì bị mất vật, tuy vậy vẫn phát sanh tâm thiện.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Nhận đúng thời ăn đúng thời, ăn không hết vào lúc phi thời lại ăn tiếp hoặc nhận đúng thời mà ăn vào lúc phi thời thì thí chủ có được phước không?

Đức Phật nói: Ăn đúng thời là người thanh tịnh, tức là ruộng phước, tức là xuất gia, tức là Tăng Già, tức là bạn lành của trời người, tức là Đạo Sư của trời người.

Người không thanh tịnh là kẻ phá giới, là tên trộm cướp lớn, là ngạ quỷ, là hang ổ tội lỗi.

Người xin phi thời và người trông coi kho thức ăn mà đem cho phi thời thì gọi là thối lui đối với đạo, là ma ác, là ba đường ác, là bình vỡ, là người bịnh hủi vì phá hoại quả lành, ăn trộm để sống. Vì thế các Bà La Môn còn không ăn phi thời, ngoại đạo Phạm Chí cũng không tà thực huống là đệ tử của ta biết pháp, hành pháp mà làm như vậy sao!

Ai làm như vậy thì chẳng phải đệ tử của ta, là người ăn trộm tài lợi trong pháp ta, là người không có đạo pháp, ăn trộm danh tiếng, ăn trộm thức ăn.

Người phi pháp, lén cho, lén nhận một nắm, một vắt, một chút muối, một chút dấm, thì chết bị đoạ vào địa ngục Tiêu Tràng, nuốt hòn sắt nóng. Từ địa ngục ra lại sanh làm heo, chó ăn các vật dơ bẩn.

Lại sanh làm chim dữ có tiếng kêu kinh quái, sau đó sanh làm ngạ quỷ vào lại trong chùa, ăn phẩn uế trong nhà xí suốt trăm ngàn vạn năm, lại sanh làm người nghèo hèn bị mọi người ghét bỏ, nói điều gì cũng không ai tin. Như trộm của cải của một người còn nhẹ, cướp đoạt của nhiều người, xâm phạm ruộng phước thì dứt hẳn con đường xuất thế.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Dòng họ của Như Lai có nhiều người xuất gia, đó là do họ tự phát tâm hay do thần lực của Phật?

Đức Phật bảo: Những người dòng họ Thích kiêu mạn, say đắm dục lạc làm sao có thể tự phát nguyện được. Đó là do Vua cha ra lệnh cho trong dòng họ, nhà nào sanh hai người con thì một người phải theo ta. A Na Luật đã chứa nhóm căn lành từ lâu nên rất thích chánh pháp.

Thích Tử Huề Xuất, Bạt Đề Nan Đề, Kim Tỳ La, Nan Đà, Bạt Nan Đà, A Nan Đà, Đề Bà Đạt Đa, Ưu Ba Ly… tắm rửa sạch sẽ rồi đến chỗ ta xin xuất gia. Lúc ấy, có Thượng Tọa tên Tỳ La Trà Chỉ Độ A Nan, A Nan Đà.

Kế đó có một Thượng Tọa tên Bà Tu La Chỉ Độ Đề Bà Đạt Đa, Bạt Nan Đà. Chỉ có A Nan tu thiền bất vong, xưa kia đã tu tập tổng trì trong thời gian ngắn, đắc được tam muội giác ngộ của Phật. Giả sử dồn nước của trăm vạn sông suối hoà lẫn nhau rồi phun thành mưa.

Nước mưa ấy chảy rất nhanh vào biển cả, vốc lên một bụm nước trong bàn tay, A Nan có thể phân biệt màu, vị của các loại nước trong biển ấy mà không hề nhầm lẫn và đem đặt trở lại nguồn không chút sai lầm.

Văn thù sư lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Như Lai thường nói: Tôn Giả Xá Lợi Phất là vị có trí tuệ bậc nhất trong chúng Thanh Văn, chẳng phải là tâm nhỏ nên có thể hỏi những ý nghĩa cốt yếu.

Đức Phật nói: Vị ấy đã giác ngộ từ lâu và xiển dương chánh pháp của ta, dùng trí tuệ làm lợi ích chúng sanh.

Hỏi: Vì sao Như Lai nói: Ơn cha mẹ lớn, không thể báo đáp, lại nói: Ơn Sư Tăng không thể đo lường.

Vậy ơn nào lớn nhất?

Đức Phật nói: Phàm là người tại gia hầu hạ cha mẹ, khom mình dưới đầu gối cha mẹ cũng chưa đủ để báo ơn sanh trưởng. Vì ơn sanh ra và nuôi dưỡng rất sâu xa nên nói là lớn. Nếu theo thầy học đạo, khai mở kiến thức thì ơn này là ơn lớn tiếp theo.

Phàm là người xuất gia xả bỏ cha mẹ và nhà sanh tử, vào cửa pháp, thọ nhận pháp vi diệu, năng lực của thầy nuôi lớn pháp thân, phát sanh của cải công đức, nuôi dưỡng thân mạng trí tuệ, công ấy không gì lớn hơn, ngay cả công sanh dưỡng cũng không bằng.

Lại hỏi: Nên đặt tên Kinh này là gì?

Đức Phật nói: Nên đặt tên cho Kinh này là Bồ Tát Vấn Dụ, vì Kinh này rất rộng lớn, hoặc đặt tên là Kinh Tôn Giả Xá Lợi Phất Vấn.

Sau khi bốn chúng nghe nói như vậy, năm mươi Tỳ Kheo mới học được thành tựu tín căn, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Tám Bộ Trời người có sẵn đức độ đều rất vui mừng đảnh lễ rồi lui ra.

***