Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM LỢI DƯỠNG
 

TẬP HAI
 

Cầu mong được tiếng khen: Ngày đêm rình bắt nhà vua, các quan, một ức cư sĩ, dựa vào thế lực cường hào, ham cầu được tiếng khen. Xem xét, suy nghĩ để thích ứng với mọi tình hình, nhằm làm vui lòng người kia để được lợi dưỡng.

Hoặc thường ở trong đại chúng, nói chuyện vu vơ muôn thứ, mục đích tỏ ra mình khôn, muốn chỉ có mình là bậc tôn quý, còn những kẻ khác đều là hèn hạ. Trong tâm mong được y phục, thức ăn, giường chõng, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, còn những người khác không được như vậy.

Kinh Điển mà Tỳ Kheo Điều Đạt tụng niệm thì sáu muôn thớt voi chở cũng không hết. Suốt mười hai năm thường ở nơi núi vắng rừng sâu, giữ giới vững chắc như giữ bình cát tường. Nhưng vì tham đắm lợi dưỡng nên bao nhiêu công đức mà Điều Đạt có được đều bị lửa giận dữ thiêu đốt.

Cho nên nói: Cầu mong được tiếng khen.

Tại gia thì ganh tị: Hoặc có cư sĩ tại gia, những điều phiền lụy của gia đình tự theo bên mình, nên thường sinh tâm ganh tị, nghĩ rằng: Nay ta không muốn thấy mặt người giữ giới thanh tịnh.

Nếu có người phạm hạnh thanh tịnh đến nhà ta, dù chỉ giây lát nghỉ ngơi, ta cũng sẽ mời ông ta về chỗ cũ ngay, đừng nói gì là ở suốt ngày đêm. Nếu muốn ở lại thì ta cũng không cúng dường.

Cho nên nói: Tại gia thì sinh ganh tị.

Đi tu, mong cúng dường: Người tu hành kia lại nghĩ rằng: Nay ta là người xuất gia thanh danh, đạo đức đều vượt hơn mọi người, ngay cả loài bò bay máy cựa, các loài có thân hình hằng ngày đến cúng dường y phục, ăn uống, giường chõng, đồ nằm, thuốc men trị bệnh, khiến người khác không được cúng dường như ta. Nếu thấy người khác được cúng dường thì liền sinh tâm ganh tị như bị mất kho báu.

Cho nên nói:

Đi tu mong cúng dường.

Đừng cậy lợi dưỡng

Vì nhà bỏ tội

Đó không chí ý

Tiếng khen ích gì?

Đừng cậy lợi dưỡng: Người giữ hạnh phải tinh tấn mạnh mẽ, ít muốn biết đủ với chí hướng thật vững chắc. Thường lựa nơi thanh vắng suy nghĩ quán tưởng về những điều xấu ác, bất tịnh, qua đó suy nghĩ niệm lành. Nếu người ta ở đời mà tham đắm lợi dưỡng, thì tự làm tăng them kiêu mạn, biếng nhác, dần dần rơi vào vòng tội lỗi.

Cho nên nói: Đừng cậy vào lợi dưỡng ấy.

Vì nhà bỏ tội: Đối với bất cứ ai dù nhà vua, trưởng giả, một ức cư sĩ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni đi nữa, cũng không để người ta biết mình là người xứ nào, gia đình nào, hay nói cho người ta biết về thần đức, giới hạnh đầy đủ của mình.

Cho nên nói: Vì gia đình mà bỏ tội.

Đó không chí ý: Lìa xa mọi duyên ác, tu tập vô lượng định. Dù gặp việc ác trái với thệ nguyện của mình thì sự nghiệp thực hành cũng không tự vì mình.

Cho nên nói: Có việc, mà mình không quan tâm.

Tiếng khen ích gì: Phải ẩn kín, không để ai biết mình giữ giới tinh tấn tu hạnh A luyện nhã. Mỗi hành động, cử chỉ đều không để cho ai biết. Phiền não đã sạch, tâm ý đã mở tỏ, ghi nhớ mạnh mẽ, ăn nói lanh lợi, trí tuệ vô lượng, nhưng không muốn nghe người khen ngợi công đức của mình.

Cho nên nói:

Được tiếng khen có ích gì.

Người ngu suy tưởng ngu

Ham muốn, kiêu ngạo tăng

Lạ thay lợi dưỡng kia

Đến Niết Bàn khác nhau.

Người ngu suy tưởng ngu: Người ngu thì thường nghĩ đến việc ác, chỉ mong lợi dưỡng, nhưng đức hạnh mình thì không xứng đáng. Muốn chỉ có mình là người tôn quý nhất giữa đại chúng, phải được mọi người lễ bái cung kính, muốn người khác phải thấp hèn.

Cho nên nói: Người ngu suy tưởng ngu.

Ham muốn, kiêu ngạo tăng: Người ngay thẳng, thành thật thì nhàm chán lợi dưỡng. Người này giữ giới, học rộng bố thí, đầy đủ mọi công đức, tri kiến giải thoát, không pháp tu quán nào không nhập. Công đức đã đầy đủ, xứng đáng được cúng dường. Phước đức do hóa độ người có công năng tiêu hóa của cải ấy, lại còn có khả năng cứu giúp họ. Đó gọi là tiếp nối dòng giống Như Lai, kế thừa Hiền Thánh.

Cho nên nói: Ham muốn, kiêu ngạo ngày càng tăng.

Lạ thay lợi dưỡng kia: Nó có nghĩa là phi pháp. Người khởi tâm tham đắm lợi dưỡng thì phước đức ngày một tổn giảm, chẳng phải là chỗ cốt yếu, bỏ chánh theo tà, phải biết nó không phải là điều Thánh Hiền dạy bảo.

Cho nên nói: Lạ thay lợi dưỡng kia.

Đến Niết Bàn khác nhau: Đường dẫn đến Niết Bàn rốt cuộc là khác nhau. Trước phải học pháp nhiệm mầu của thế tục, sau đó, mới học tập đạo pháp của Hiền Thánh, kế là chứng được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Cho nên nói:

Đến Niết Bàn khác nhau.

Biết rõ về lợi dưỡng

Tỳ Kheo chân Phật tử

Không ưa thích lợi dưỡng

Thanh vắng dứt tâm loạn.

Biết rõ về lợi dưỡng: Người tu hành biết lợi dưỡng thật khó tiêu. Nếu thân có tì vết mà còn nhận lãnh của tín thí dồi dào kia thì khác gì chiếc xe đã cũ mục, trục, bánh không còn chắc chắn nên khi chở nặng nó phải sụm thôi. Nhận lợi dưỡng cũng giống như vậy, thân không giữ gìn giới luật mà còn nhận ân người thí, chắc chắn tự rơi vào đường ác.

Cho nên nói: Biết rõ về lợi dưỡng.

Tỳ Kheo chân Phật tử: Đệ tử của các Phật quá khứ đầy đủ công đức này. Các đệ tử của Chư Phật Thế Tôn đời tương lai cũng sẽ đầy đủ công đức ấy.

Thế nào là đệ tử Phật?

Đáp: Có bốn hạng đệ tử là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Bốn hạng đệ tử ấy nhất định vâng làm theo lời Phật dạy, dù cho ngoại đạo, tà giáo, bọn người ác có biến hóa ra bao nhiêu hình tượng để thử lòng tin của bốn hạng đệ tử này thì cũng không bao giờ họ được dịp phá hoại.

Vì sao?

Vì bốn hạng đệ tử này đã thấu hiểu chỗ chân thật rồi.

Tại sao hàng phàm phu thấp kém không được gọi là đệ tử Phật?

Đáp: Vì tâm họ còn do dự, không quyết định, lúc thì theo lời Phật dạy, lúc lại làm theo ngoại đạo dị học. Hạng người như thế, không được gọi là đệ tử Phật.

Còn các vị đệ tử Hiền Thánh này thì gốc rễ kính tin của họ vững chắc, nhất định vâng theo lời Phật dạy, kính thờ Tam Bảo, đó mới được gọi là đệ tử Phật. Hoặc có chỗ nói là khi có gốc rễ kính tin, không còn ngờ vực, mà Như Lai đã chứng được thì gọi là Tỳ Kheo chân Phật tử.

Không ưa thích lợi dưỡng: Vì sao?

Vì Như Lai không nói hai lời.

Như trong Kinh nói: Ngài bảo các Tỳ Kheo: Kẻ nào mà trong tâm còn tham đắm lợi dưỡng ngon ngọt thì sẽ đi vào đường ác, không đến với đạo được. Chỉ những ai xa lìa được lợi dưỡng thì họ mới thành đạo chứng quả.

Hỏi: Đã chứng quả A La Hán thì đầy đủ rồi sao còn phải tu đạo nữa?

Đáp: Vì các giác quan chưa đầy đủ sự phân biệt, cho nên đối với pháp lui sụt phải tìm phương cách để đến với gốc không lui sụt, khiến họ trở thành người có gốc không bao giờ lui sụt. Lại phải tìm phương cách để tiến đến chỗ người niệm pháp.

Người niệm pháp lại phải tìm phương cách để đến chỗ người hộ pháp. Người có gốc hộ pháp, phải tìm phương cách để đến chỗ người có gốc an trú trong định. Người có gốc an trú trong định phải tìm phương cách đến chỗ người có gốc vô ngại. Cứ như thế, dần dần tiến đến nghiệp công đức. Giống như hạnh vững chắc, bất động, thì tự mình đạt tới vô nguyện vô tưởng không định.

Cho nên nói: Không ưa thích lợi dưỡng.

Thanh vắng dứt tâm loạn: Thường phải thực hành năm pháp thanh tịnh nhàn tĩnh:

Một là hỷ, vui mừng đối với pháp mà mình đã đạt được.

Hai là an ổn, làm cho chúng sinh an ổn, ngăn chúng sinh làm ác.

Ba là tự thủ, là giữ hạnh mình, không để lỗi lầm.

Bốn là niệm, niệm định không tán loạn.

Năm là đãi, thực hành điều lành, bỏ điều ác.

Cõi dục là nguồn gốc của căn tán loạn. Thế nên phải khéo tìm phương cách, siêng cầu giải thoát, không muốn sinh lại cõi dục nữa.

Cho nên nói:

Ở nơi thanh vắng dứt loạn tưởng.

Muốn sự sống yên

Dứt nghĩ, tự tỉnh

Không biết toan tính

Y phục, uống ăn.

Muốn sự sống yên: Sự sống được yên ổn, có hai việc: Một là sự sống của thân, hai là sự sống của trí tuệ.

Hễ có sự sống của thân thì có sự sống của trí tuệ, nếu không có sự sống của thân thì làm sao có sự sống của trí tuệ?

Như vậy, người tu hành thường phải tự bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống trí tuệ.

Cho nên nói: Muốn sự sống yên.

Dứt nghĩ, tự tỉnh: Thế nào là dứt nghĩ, tự tỉnh mình?

Tỉnh mình là giữ giới, học rộng, bố thí. Đó là pháp nhiệm mầu. Nếu đối với nghĩa bậc nhất thì phải tiến tới quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Cho nên nói: Phải dứt nghĩ, tự tỉnh.

Không biết toan tính: Thuở xưa, có một thầy Tỳ Kheo đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài, chắp tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép các thầy Tỳ Kheo tự khỏa thân đi giáo hóa nhân gian, cho khác lạ thế gian, như thế há không vui sao?

Đức Phật bảo với thầy Tỳ Kheo ấy: Ôi! Việc thầy nói là người si mê, là không hợp với giới luật của Hiền Thánh, trái ngược với đạo pháp. Khỏa thân là pháp của ngoại đạo, dị học Ni Kiền Tử, chẳng phải là điều nên làm tron pháp luật Hiền Thánh của ta.

Nếu Chúng Tăng khỏa hình đi trong thế gian thì có khác gì các loài thú nuôi?

Không còn biết gì là cao quý thấp hèn, cha mẹ, dòng họ?

Lại có một thầy Tỳ Kheo lạ đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Phật: Cúi xin Bậc Đại Thánh cho phép các thầy Tỳ Kheo mặc áo dệt bằng tóc.

Đức Phật bảo thầy Tỳ Kheo ấy: Đó là y phục của ngoại đạo dị học, chứ chẳng phải là y phục đúng với pháp luật Hiền Thánh của ta.

Người ngu nên biết, mặc thứ áo dệt bằng tóc có năm thứ nhơ bẩn: Một là nhơ bẩn, hôi hám, hai là khó đến gần, ba là làm lợi ích cho vi trùng, bốn là sinh nhiều rận rệp, năm là lúc thời tiết nóng bức thì càng nóng lắm, khi gặp tiết trời lạnh thì càng lạnh. Phàm là Đạo Sĩ thì chỉ nên mặc y Tăng Già lê thôi, vì nó là vật tượng trưng cho Chư Phật, Hiền Thánh quá khứ.

Cho nên nói: Không biết toan tính.

Y phục, uống ăn: Đã nói y Tăng Già Lê, sao còn nói y phục, thức ăn?

Đáp: Nói y phục là chỉ cho Nê Hoàn Tăng, Tăng Kì Chi, An Đà Vệ, Uất Đa La Tăng.

Còn nói thức uống là gồm có: Mía, nước đường phèn, nước trái bồ đào, nước hắc thạch mật.

Còn thức ăn thì gồm có: Nếp, bún gạo khô, lúa mạch, lúa mạch khô, đậu phụ. Thức ăn chính thì cơm, cháo đứng đầu. Các thức ăn uống mà dở thì sinh chán ghét.

Một hôm, vua thỉnh một thầy Tỳ Kheo, rồi bảo quan Thái Giám sửa soạn thức ăn uống thật ngon cho Tỳ Kheo dùng giống như thức ăn của mình. Ăn xong, thầy Tỳ Kheo này giã từ vua ra ngoài.

Vua hỏi: Thầy ăn uống xong chưa?

Đáp: Xong rồi.

Vua suy nghĩ: Thức ăn cúng dường thầy Tỳ Kheo hôm nay chắc dở lắm vì thấy sắc mặt thầy không vui, chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa. Vua lại mời thầy Tỳ Kheo này ngày mai lại đến thọ thỉnh. Thầy Tỳ Kheo giã từ vua, trở về Tinh Xá. Hôm sau, thầy lại vào cung vua, lần này, chính vua sớt nhiều thức ăn cúng dường thầy Tỳ Kheo.

Thầy dùng xong, vua hỏi: Thế nào Đạo Sĩ, Ngài dùng có ngon miệng chăng?

Thầy Tỳ Kheo đáp: Cũng như thức ăn mà ta thường ăn.

Trong lòng vua nổi giận, nghĩ rằng thức ăn do chính vua chuẩn bị thế mà Đạo Sĩ lại nói: Như thứ mình thường ăn. Vua lại mời thầy Tỳ Kheo hôm sau đến thọ thỉnh. Hôm sau, vua lấy rượu đắng nấu với đậu làm món ăn cho Tỳ Kheo.

Thầy Tỳ Kheo dung xong, vua hỏi: Thế nào, Đạo Sĩ dùng có ngon miệng không?

Đáp: Cũng như thức ăn mà ta thường ăn.

Vua hỏi Đạo Sĩ: Ăn thức ăn ngon, cũng nói là như thức ăn ta thường ăn, ăn thức ăn dở, cũng nói như thức ăn ta thường ăn, chắc có lý do gì, xin nói cho trẫm biết.

Thầy Tỳ Kheo đáp:

Như hoa cây chiêm bặc

Ra dầu dùng bôi xe

Cao hôi, cho bay xa

Há quý ngon bỏ dở.

Trăm vị giữ mạng sống

Giữ thân thể hành đạo

Rượu đắng nấu vẫn ăn

Toàn mạng đều nhờ nó.

Nghe xong, trong tâm vua cảm thấy hổ thẹn, không dám nhìn Tỳ Kheo, liền thưa: Việc làm của trẫm thật xấu hổ vì có ác ý xúc nhiễu Hiền Thánh. Như người ngu không tự suy nghĩ, mới có ý nghĩ muốn xô ngã núi Tu Di, nhưng không thể hại được Hiền Thánh mà lại tự làm tay mình bị thương, dùng cái ca nhỏ mà muốn lường nước biển. Nay trẫm đã làm một việc cũng giống như vậy, với ý nghĩ hẹp hòi, thiên lệch mà đo lường tâm rộng lớn của Thánh Hiền vương.

Vua lại suy nghĩ: Người tu hành ăn uống không phải vì ngon miệng mà là để nuôi sống thân mạng, được tu hành đạo, cũng không mong hiện đời được quả báo tốt. Đời này bố thí tốt, sau được quả báo tốt, bố thí ô uế bị quả báo ô uế, như bóng hình. Vì thế, người trí giả phải bố thí thanh tịnh, không khởi vọng tưởng.

Cho nên nói:

Y phục, uống ăn.

Không trông mong lợi

Không nịnh hót ai

Không sống nhờ người

Giữ pháp hạnh mình.

Không trông mong lợi: Thuở xưa, các Tỳ Kheo mới học đạo không bao lâu, tham đắm khất cầu, khất thực được thức ăn đều xấu dở, không ngon. Đi đến nơi nào khất thực nếu được thức ăn, thì cũng sớm hay trễ, làm cho tâm lui sụt, không thể thực tập hành trì, khiến lòng buồn bã, dần dần trở thành gian dối, chuyển sang tu tập pháp thế gian, không còn luận bàn giảng nói Khế Kinh, Luận A Tỳ Đàm nữa.

Đức Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo các thầy hãy quán sát nhân duyên đời trước của mình, mọi thứ đều có quả báo. Như Tỳ Kheo Thi bà la và A Na Luật do công đức đầy đủ nên hai vị không mong cầu mà lợi dưỡng có dư. Dù có phước nhưng cũng không nên biểu lộ bằng cử chỉ hành vi, thí như biết được nhân duyên đời trước có cao, thấp cũng không nên khởi tâm ganh ghét.

Cho nên nói: Không trông mong được lợi dưỡng.

Không nịnh hót ai: Hạnh phải chuyên nhất, thân tâm tương ưng. Bên ngoài tỏ vẻ ngu khờ nhưng bên trong thì có trí tuệ mạnh mẽ. Ý nghĩ trong tâm và lời nói ra không trái nhau, thường phải xa lánh những ý tưởng bất chính gian tà.

***