Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Bồ đề Tâm

PHẬT THUYẾT

KINH XUẤT SINH BỒ ĐỀ TÂM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Bà Già Bà ở tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành Vương Xá cùng với cúng Tỳ Kheo trăm ngàn vị, lại có vô lượng A tăng kỳ không thể nêu hết chúng Đại Bồ Tát từ mười phương vân tập đến.

Bấy giờ, tại thành lớn Vương Xá có vị Bà La Môn họ Đại Ca Diếp, trong giấc ngủ, ông ta mộng thấy nơi cõi Diêm Phù Đề hiện ra hoa sen lớn, hoa ấy có ngàn cánh, do bảy thứ báu tạo thành, thật là vi diệu, tối thắng tỏa sáng chiếu khắp tam thiên Đại Thiên Thế Giới.

Nơi hoa sen kia có vầng Trăng, trong vầng Trăng lại thấy có bậc đại trượng phu phóng ra ánh sáng lớn soi chiếu tất cả. Chúng sinh hiện có trong bốn thiên hạ này đều thấy ánh sáng ấy, tâm sinh hoan hỷ, hết mực vui thích vô cùng.

Lúc này, vừa tỉnh giấc, Bà La Môn Ca Diếp nghĩ lại việc trong mộng, tâm vui nhưng sinh nghi: Đây là nhân duyên gì, rốt cuộc là sự việc gì?

Tướng hiện ra ấy trước nay chưa từng có, từ xưa cũng chưa từng nghe nói việc ta đã mộng thấy. Nghĩ vậy rồi, ông rất hoan hỷ cho rằng điều mình thấy trong mộng là hy hữu.

Ông nghĩ tiếp: Nơi đây có vị Sa Môn Cù Đàm, từ lâu ta đã nghe người khác nói vị ấy tu sáu năm khổ hạnh, hàng phục các ma chứng đại giác ngộ, chuyển bánh xe pháp vi diệu, thu phục hàng ngoại đạo, được mọi người trí tán thán, là bậc thông tuệ khéo léo biết rõ về các sự việc. Nay ta nên đến chỗ Sa Môn Cù Đàm để hỏi về điềm mộng này.

Bấy giờ, đêm đã qua, Bà La Môn Ca Diếp từ thành Vương Xá đi tới vườn trúc Ca Lan Đà, là nơi trú xứ của Đức Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ dưới chân Phật, lui ra đứng qua một bên, rồi hướng lên Phật nêu bày rõ việc trong mộng.

Đợi cho Bà La Môn thưa trình đầy đủ rồi, Đức Thế Tôn mới bảo Bà La Môn Ca Diếp: Này thiện nam! Có bốn điềm mộng lành đạt được pháp thù thắng.

Những gì là bốn?

Đó là: Trong giấc ngủ mộng thấy hoa sen. Hoặc mộng thấy dù lọng. Hoặc mộng thấy vầng Trăng. Hoặc mộng thấy hình Tượng Phật. Khi thấy như vậy nên tự vui mừng vì biết mình gặp pháp thù thắng.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ:

Nếu như mộng thấy có hoa sen

Hay là mộng thấy có dù lọng

Hoặc trong mộng thấy rõ vầng Trăng

Biết chắc đạt được lợi ích lớn.

Hoặc lúc mộng thấy hình Tượng Phật

Thân trang nghiêm đầy đủ các tướng

Chúng sinh thấy được sinh hoan hỷ

Nghĩ tất sẽ làm Bậc Điều Ngự.

Nghe kệ này rồi, Bà La Môn Ca Diếp liền bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Thế nào là lợi ích lớn cho các chúng sinh?

Nếu có thể đạt được lợi ích này để cầu đạo bồ đề?

Đức Phật bảo: Lợi ích lớn ấy chính là nhất thiết trí.

Bà La Môn Ca Diếp lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài nói lợi ích lớn ấy là nhất thiết trí, vậy nhờ nhân duyên gì mà có thể đạt được?

Đức Thế Tôn vì Bà La Môn Ca Diếp nên nói kệ:

Ta nay nói lợi lớn

Bà La Môn lắng nghe

Nếu hòa hợp có lợi

Sẽ làm Đấng Lưỡng Túc.

Hoặc làm Vua chuyển luân

Tự tại khắp thiên hạ

Chúng sinh muốn như vậy

Phải phát tâm bồ đề.

Hoặc làm chủ Phạm Thiên

Tự tại giữa mọi người

Chúng sinh muốn như vậy

Phải phát tâm bồ đề.

Cõi Dục và Cõi Sắc

Vô sắc và cõi trên

Chúng sinh muốn như vậy

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Như muốn làm thương chủ

Là thương chủ dẫn đường

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn phóng ánh sáng lớn

Phá diệt mọi tối tăm

Nên phát tâm bồ đề.

Như có các chúng sinh

Muốn dứt các điên đảo

Hiện có khắp ba cõi

Nên phát tâm bồ đề.

Như có các chúng sinh

Muốn trừ mọi chướng ngại

Cùng các thứ pháp ác

Nên phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn diệt trừ vô minh

Và đoạn lưới tham ái

Nên phát tâm bồ đề.

Hoặc có các chúng sinh

Nhằm diệt hữu và ái

Đoạn trừ mọi cấu uế

Nên phát tâm bồ đề.

Như có các chúng sinh

Muốn dứt bỏ ngã mạn

Và sắc khiến ngã mạn

Nên phát tâm bồ đề.

Hoặc có các chúng sinh

Lìa bỏ tâm cao ngạo

Mạng không bệnh, ngã mạn

Nên phát tâm bồ đề.

Như có các chúng sinh

Nhằm diệt ngã mạn lão

Mạn vô thường, thường tục

Nên phát tâm bồ đề.

Nên có các chúng sinh

Nhằm diệt mạn đa văn

Cùng mạn do trì giới

Nên phát tâm bồ đề.

Hoặc có các chúng sinh

Muốn diệt mạn tịch tĩnh

Các mạn như khất thực

Nên phát tâm bồ đề.

Như có các chúng sinh

Nhằm diệt mạn tri thức

Mạn thọ y phấn tảo

Nên phát tâm bồ đề.

Hoặc có các chúng sinh

Muốn diệt mạn thần thông.

Một bữa ăn làm tịnh

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn diệt tất cả mạn

Mạn hữu vi hiện có

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn được cúng dường Phật

Vào trước lúc diệt độ

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn được cúng dường Phật

Và tất cả Như Lai

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn được chuyển pháp luân

Thế gian không thể chuyển

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn diệt độ liền diệt

Nên nghĩ điều đáng nghĩ

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn tu hành phạm hạnh

Trước sau được trọn vẹn

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn luôn đạt tinh tấn

Tới lui trong các cõi

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn nói các hành khổ

Thấy chúng sinh thọ khổ

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Các pháp không có ngã

Vì chúng sinh giảng nói

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Muốn chuyển bánh xe pháp

Để lên nẻo giác ngộ

Phải phát tâm bồ đề.

Nếu có các chúng sinh

Nói Niết Bàn tịch diệt

Chứng bồ đề tối thắng

Phải phát tâm bồ đề.

Các công đức như vậy

Người phát tâm đạt được

Phạm chí nghe vậy rồi

Nên hành đạo giác ngộ.

Nghe kệ xong, Bà La Môn Ca Diếp lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người phát tâm bồ đề gồm thâu được bao nhiêu phước lớn?

Đức Phật dùng kệ tụng trả lời Bà La Môn Ca Diếp:

Nếu chúng sinh trong Cõi Phật này

Khiến trụ lòng tin và giữ giới

Khối phước lớn kia so đạo tâm

Thì không bằng một phần mười sáu.

Nếu chúng sinh trong Cõi Phật này

Khiến trụ lòng tin nơi pháp hành

Khối phước lớn kia so đạo tâm

Thì không bằng một phần mười sáu.

Nều hằng hà sa cõi Chư Phật

Thảy đều tạo Chùa cầu phước đức

Xây tháp như núi, so đạo tâm

Nhưng không bằng một phần mười sáu.

Nếu có Cõi Phật như hằng sa

Các thứ bảy báu đều thí khắp

Khối phước lớn kia, so đạo tâm

Thì không bằng một phần mười sáu.

Như núi Thiết Vi cao rộng lớn

Xây tháp vô lượng cúng Chư Phật

Chúng sinh cầu phước là như vậy

Không bằng phần mười sáu đạo tâm.

Nếu có chúng sinh trọn cả kiếp

Hoặc đầu hoặc tay thường đội vác

Khối phước lớn kia so đạo tâm

Thì không bằng một phần mười sáu.

Những người như vậy được thắng pháp

Nếu cầu giác ngộ, lợi muôn loài

Các hạng chúng sinh tối thắng đó

Phước này khó sánh, huống là hơn.

Thế nên được nghe các pháp này

Người trí thường sinh tâm ưa pháp

Nên được khối phước lớn vô biên

Nhanh chóng chứng đắc đạo vô thượng.

Bấy giờ, Bà La Môn Ca Diếp bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người đã phát tâm bồ đề như vậy có thoái chuyển không?

Đức Phật đáp: Người phát tâm bồ đề như vậy, ở trong đạo giải thoát không có thoái chuyển.

Chỉ theo sự thì riêng có ba thứ bồ đề: bồ đề của Thanh Văn, bồ đề của Bích Chi Phật và bồ đề của Vô Thượng, Chánh Giác.

Này đại Bà La Môn! Sao gọi là bồ đề của Thanh Văn?

Nếu thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà không dẫn dạy người khác phát tâm bồ đề, không khiến cho người khác an trụ, cũng không vì người khác giảng nói Kinh Điển như vậy, không tự mình thọ trì cũng không nêu giảng rộng về ý nghĩa cho người khác.

Lại hay thân cận với hàng Phú Già La nhưng không thừa sự cúng dường những thứ cần dùng. Hoặc có người đến cũng không đến, cũng đều không cung kính, đối với điều ấy cũng không khởi tâm tùy hỷ. Do nhân duyên này mà tâm được giải thoát.

Này Bà La Môn! Đó gọi là bồ đề của Thanh Văn.

Lại nữa, sao gọi là bồ đề của Bích Chi Phật?

Nếu thiện nam, thiện nữ nào tự phát tâm bồ đề nhưng không dẫn dắt người khác phát tâm bồ đề, không khiến cho họ an trụ, cũng không vì họ giảng nói Kinh Điển như vậy, chính mình không thọ trì, cũng chẳng nêu giảng rộng cho người khác, cũng hay thân cận với hàng Phú Già La nhưng không thừa sự cúng dường những thứ cần dùng.

Nếu có người đến hoặc không đến cũng đều không cung kính, không tùy hỷ. Do nhân duyên này tâm chứng đắc Bồ Tát Bích Chi Phật. Thế nên gọi là bồ đề của Bích Chi Phật.

***