Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI

NHƯ LAI THẦN TÚC HẠNH
 

Lúc bấy giờ trăm ngàn ức muôn các vị Bồ Tát nhiều như số vi trần của ba ngàn Thế Giới từ dưới đất vọt lên, tất cả đều đứng trước Đức Thế Tôn, chắp tay bạch Phật: Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ truyền bá Kinh này khắp quốc độ Chư Phật và tại quốc độ của Thế Tôn, nơi Thế Tôn diệt độ, ở ngay những nơi ấy giảng thuyết Kinh này, nhiều người được lợi ích.

Nếu có người thọ trì, đọc tụng, sao chép, diễn nói cho người khác Kinh Điển cốt yếu nhiệm mầu này thì phước đức chẳng thể lường.

Khi ấy, ở trước Bạc Thủ và vô số ức trăm ngàn muôn các Bồ Tát và Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ, các Trời, Rồng, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc cùng Nhân Phi Nhân trong Thế Giới Kham nhẫn này, Như Lai dùng thần túc biến hóa các Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Do hiện điềm lành này mà tất cả đều đắc pháp nhãn nhu thuận, đều khiến cho trăm ngàn ức số các Đại Bồ Tát sao chép Kinh Chánh Pháp Hoa ở Thế Giới khác hóa hiện đều ngồi trên Tòa Sư Tử dưới các cây báu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn Năng Nhân và tất cả Đức Như Lai Chánh Giác này cùng hiện thần túc đầy đủ sung mãn, trong trăm ngàn năm mới xảy ra như thế.

Ngay khi ấy, công đức trong trăm ngàn năm tự nhiên chiếu sáng phá tan mây đen, trong khoảng khảy móng tay, tự nhiên có âm thanh vang khắp, tất cả Thế Giới ở trong cõi Phật khắp mười phương đều chấn động sáu cách. Các Trời, Rồng, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, nhờ oai thần của Phật, ngay nơi chỗ ở của mình, ở vô số ngàn Thế Giới Chư Phật.

Đều thấy cõi Phật Kham Nhẫn này và vô số trăm ngàn ức muôn Như Lai trong mười phương đều ngồi trên Tòa Sư Tử dưới các cây báu. Đức Như Lai Năng Nhân và Thế Tôn Đa Bảo ở nơi giảng đường của tháp bảy báu tự nhiên nghiêm tịnh Tòa Sư Tử, oai quang rực rỡ vô cùng chẳng thể diễn tả.

Trăm ngàn ức muôn Bồ Tát Đại Sĩ và bốn bộ chúng thấy sự biến hóa này, trong lòng ngạc nhiên, mừng vui vô lượng, được điều chưa từng có.

Bỗng nghe âm thanh trong không trung khen ngợi: Này Nhân Giả! Muốn biết vô lượng, trăm ngàn ức cai Thế Giới Chư Phật chẳng thể nghĩ bàn ấy, thì có một cõi Phật tên là Kham Nhẫn, ở đó có Phật Hiệu là Năng Nhân Như Lai vì các Bồ Tát Đại Sĩ giảng Kinh Điển Phương đẳng tên là Chánh Pháp Hoa, tất cả Chư Phật đều hộ niệm Kinh ấy để cứu độ Bồ Tát Đại Sĩ.

Vì vậy nên chư Hiền, tâm phải chất trực thanh tịnh, cúi đầu quy mạng khen ngợi phụng sự, hầu cận, cúng dường Đấng Năng Nhân Chánh Giác kia.

Khi ấy, chúng sinh tự nhiên nghe âm thanh trên không bảo rằng có Đức Phật Thế Tôn hiệu là Năng Nhân. Vừa nghe danh xưng này, họ liền chắp tay, dùng bao nhiêu các loại hoa hương, y phục, tràng phan, tạp hương, đưa tay rải vào Thế Giới Kham Nhẫn và dung anh lạc, ngọc quý, các chân châu quý, bảo châu Như ý để cúng dường.

Hoa hương, phướn lọng, anh lạc, ngọc quý, minh nguyệt bảo châu ấy tự nhiên rơi vào Thế Giới Kham nhẫn, lập tức kết tụ thành lọng hoa báu ở trên hư không che khắp trên Chư Phật và Bồ Tát.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Bồ Tát từ nơi khác đến và chúng Bồ Tát đứng trước Phật: Này các Tộc Tánh Tử! Công đức oai thần của Như Lai Chánh Giác chẳng thể nghĩ bàn dù trong vô số ức triệu trăm ngàn cai kiếp nói ý nghĩa Kinh này cũng không thể rốt ráo, tuy vô số biết bao Kinh Điển khác cũng không sánh kịp và chẳng thể hạn lượng được, muốn qua bờ bên kia cũng khó đạt được mục đích.

Này các Tộc Tánh Tử! Nói tóm lại, giả sử có người muốn hiểu rõ cốt lõi của Kinh này, đó là oai thần của Chư Phật, Pháp của Chư Phật, cảnh giới của Chư Phật, sự tinh tấn của Chư Phật, sự độc cư của Chư Phật, diệu lực của Chư Phật mà Kinh này đã thị hiện, thì này Tộc Tánh Tử, sau khi Phật diệt độ, nên ân cần cầu Kinh Điển này, thọ trì, sao chép, tinh tấn phụng hành, cúng dường phụng sự, vì người khác nói.

Giả sử có người mang Kinh này giảng giải, khen ngợi, sao chép, tư duy, phụng trì, chép vào tre lụa hoặc để nơi tinh xá, trai đường nhà cửa, dưới cây trong rừng, hoặc bên dòng nước, thì phải tạo dựng tháp miếu.

Vì sao?

Vì đó chính là nơi chốn của Như Lai, xem như là Đạo Tràng, chỗ cây Phật ngồi, nên xem đó là nơi du hành của tất cả Đức Như Lai Chánh Giác, là chốn chuyển pháp luân của các Bậc Thánh giả thế hùng. Mười phương Chư Phật diệt độ nơi ấy, như nhau không sai khác.

Khi ấy Thế Tôn nói tụng ngợi khen:

Pháp thương yêu đời

Chẳng thể nghĩ bàn

Luôn luôn kiến lập

Trí tuệ thần thông

Cũng lại thị hiện

Mắt sáng soi khắp

Tất cả chúng sinh

Đều được hoan hỷ

Thiệt căn thần diệu

Diễn tiếng Phạm Thiên

Trong sáng thánh thót

Ức trăm ngàn muôn

Chúng sanh muôn loài

Khi thấy thần túc

Lạ chưa từng có

Đều vào Phật Đạo

Bậc Thánh Đạo Sư

Phát ánh sáng lớn

Chỉ trong khoảnh khắc

Diễn âm thanh lớn

Tức thời bảo khắp

Tất cả cõi Phật

Cùng khắp mười phương

Thế Giới Chư Phật

Biến hóa như thế

Và biến động khác

Đại Thánh đã hiện

Điềm lành như thế

Bấy giờ Như Lai

Khiến đều hoan hỷ

Sau Phật diệt độ

Phụng trì Kinh này

An trú tuyên bày

Các pháp công đức

Trải vô sô kiếp

Chẳng thể nghĩ bàn

Trì quyển Kinh này

Hạn lượng phước đức.

Đạo Sư khen ngợi

Vô lượng biết bao

Muốn tận giới hạn

Chẳng thể đến cùng

Giống như hư không

Chẳng thể cùng tận

Danh xưng chí đức

Không thể tư duy

Người trì Kinh này

Tịnh đức thường nhiên

Thì được thấy Phật

Đại Thánh Đạo Sư

Và ta ở đời

Đại thông diệt độ

Thì tất cả chúng

Bồ Tát nơi kia

Và bốn bộ chúng

Thấy trong hội này

Có người từng gặp

Kinh Điển này rồi

Trong Pháp Hội này

Thì nay gặp lại.

Sau Phật diệt độ

Cũng tại nơi đây

Và mười phương kia

Thế Giới Chư Phật

Nếu ai có thể

Thọ trì Kinh này

Thì được gặp gỡ

Chư Phật quá khứ

Ở khắp mười phương

Nay Phật hiện tại

Mắt tự trông thấy

Cúng dường phụng sự

Thảy đều vui vẻ

Hướng về Thế Tôn

Ở nơi Đạo Tràng

Có thể tư duy

Nên mau thọ trì

Kinh Điển này đây

Tự nhiên biện tài

Không gì trở ngại

Giả sử mạn sống

Chẳng thể lâu dài

Nên phân biệt hiểu

Ý nghĩa Kinh này

Và nên thọ trì

Kinh Điển này đây

Hiếu rõ các Kinh

Lần lượt quy kính.

Đại Thánh Thế Tôn

Sau khi diệt độ

Giả sử có người

Chí thành tuyên thuyết

Phân biệt Kinh này

Nghĩa lý mục đích

Thì giảng kỹ lưỡng

Ý nghĩa các Kinh

Ánh sáng người ấy

Phân biệt sở giác

Như vầng nhật nguyệt

Chiếu khắp gần xa

Khắp cả thiên hạ

Chỗ nào cũng đến

Khuyến hóa phát khởi

Vô số Bồ Tát

Cho nên các chúng

Bồ Tát trí tuệ

Được nghe Kinh Điển

Vô thượng như thế

Sau ta diệt độ

Phụng trì Kinh này

Người ấy chẳng nghi

Đại đạo của Phật.

***