Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHỔ HIỀN
 

Khi ấy Bồ Tát Phổ Hiền và chư Bồ Tát vượt qua hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông đi đến, làm chấn động các Cõi Phật, rải các hoa sen, trổi trăm ngàn muôn ức kỹ nhạc, ca ngợi công đức Như Lai.

Nương vào đại thần túc biến hóa vô cùng của vị Khai Sĩ Bồ Tát ấy, thân của vị Đại Bồ Tát oai thần chói lọi, Thánh chỉ huyền diệu, chiếu khắp mười phương, cùng các Trời, Rồng, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân, tất cả đều dẫn theo quyến thuộc, đều hiển bày thần túc chẳng thể nghĩ bàn, đến núi Linh Thứu, đi tới chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật bảy vòng và bạch với Đức Phật: Chúng con từ cõi Phật Bảo Siêu Oai Vương Như Lai đến.

Nhân nay Thế Tôn đang diễn Kinh Chánh Pháp Hoa, cho nên chúng con đến Thế Giới nhẫn này muốn được nghe và thọ trì, cùng vô số trăm ngàn các Bồ Tát cũng ưa nghe diễn bày đạo nghĩa.

Hay thay, Thế Tôn! Cúi xin thương xót, đúng thời ban nói tuyên giảng Kinh Chánh Pháp Hoa.

Nếu là thân người nữ, tu hành pháp gì mà được phụng trì Kinh này.

Phật liền bảo Bồ Tát Phổ Hiền: Này Tộc Tánh Tử! Người nữ có bốn Pháp Sự nên được Kinh này.

Những gì là bốn?

1. Thường kiến lập, hộ trì sở kiến của Chư Phật.

2. Tích lũy công đức, chẳng hề biếng trễ.

3. Có thể phân biệt giảng hóa chỗ quy tụ những điều cốt yếu một cách rốt ráo.

4. Ủng hộ khắp chúng sinh phát khởi điều chưa phát khởi.

Đó là bốn điều để được Kinh này.

Khi ấy Bồ Tát Phổ Hiền bạch Phật: Sau này vào thời kỳ cuối của đời mạt pháp năm trược, nếu có Tỳ Kheo thọ trì Kinh này, con sẽ luôn ủng hộ khiến vị ấy được an ổn, trừ các cuồng loạn, các độc không hoành hành, khiến không ai rình tìm chỗ sơ hở.

Có người thọ Kinh này đều được hộ vệ, khiến Ma Ba Tuần không thể nhiễu loạn và khiến các thuộc hạ, các Quỷ, Thần, Rồng, quỷ bên song, quỷ chuồng xí, trùng độc, phù chú không hoành hành được, cúi mình lánh đi. Thường nhất tâm ủng Hộ Pháp Sư, khiến luôn an ổn.

Nếu có Tỳ Kheo học Kinh Điển này, ngồi, đứng, Kinh Hành, tinh tấn tu tập, con sẽ cùng với các Bồ Tát quyến thuộc vây quanh, cỡi voi ngựa, xe cộ cùng đi đến chỗ vị Tỳ Kheo Pháp Sư ấy để hộ trì Kinh này.

Người nào thọ trì tư duy Kinh Chánh Pháp Hoa này, khiến không quên mất ý nghĩa một câu thì con sẽ cỡi xe đến chỗ vị Học Sĩ ấy, để vị ấy tự mắt trông thấy. Vì người học kinh thấy con sẽ vui mừng lại càng siêng học.

Con sẽ giúp Pháp Sư đạt được Tam Muội, lại đạt được pháp tổng trì hồi chuyển, lại sẽ thành tựu bao nhiêu trăm ngàn ức tổng trì châu toàn, hiểu rõ tất cả âm tổng trì.

Kính bạch Thế Tôn! Vào thời kỳ sau cùng của thời mạt pháp trong đời năm trược trên năm mươi năm, nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ thọ Kinh Điển này, chỉ nói cho đồng học thọ trì, sao chép, mến mộ, vì người khác nói và vào thời sau cùng của đời mạt pháp hơn năm mươi năm nếu ai có thể thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa này mà tâm vẫn hiểu nghĩa.

Tinh tấn không bỏ phế, đến hai mươi mốt ngày sự tu hành gần đầy đủ, đạt đến các hạnh. Trong hai mươi mốt ngày chuyên cần, tâm gắn liền với pháp, tự hiện đức sáng rỡ khả kính thì con cùng với các quyến thuộc lớn, nhỏ tùy tùng nương sáu thần thông hiện đến chỗ Pháp Sư khuyến trợ Pháp Sư trong hai mươi mốt ngày chuyên tu pháp này, khiến tâm vị ấy khai mở, đạt được pháp tổng trì.

Nhưng nếu Pháp Sư không giáo hóa chúng sinh, hoặc không khuyến trợ, chẳng khai hóa, phi nhân được thuận tiện thì dù là Pháp Sư cũng không được ủng hộ, không đạt an ổn. Vì vậy người học thường hành tinh tấn, con nương oai thần Phật hộ vệ Pháp Sư.

Nếu có Pháp Sư giữ gìn chánh pháp của phật siêng năng tinh tấn thì nên nghe tổng trì này: Vô ngã trừ ngã. Nhân ngã phương tiện. Tân nhân hòa trừ. Rất nhu nhuyễn. Câu nhu nhược thấy Chư Phật. Nhân các tổng trì thực hành các thuyết. Khéo hồi chuyển, tập họp tất cả trừ các thú. Vô số các câu các số trong ba đời, vượt hữu vi, nêu các pháp hiểu rõ tiếng chúng sinh. Sư tử vui thú.

Kính bạch Thế Tôn! Đó là câu tổng trì. Nếu có Bồ Tát tai nghe câu tổng trì này, lọt vào tai thì phải biết ấy là chỗ kiến lập công đức của Bồ Tát Phổ Hiền là Kinh Chánh Pháp Hoa nầy. Nếu lưu bố khắp thiên hạ trong cõi Diêm Phù Lợi gặp Kinh này mà tâm thường nhớ nghĩ, thì phải biết đó là do oai thần của Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho mọi người đến với Kinh này.

Những chúng sinh ấy ở chỗ vô số Đức Phật chứa các cội đức, Như Lai Chí Chân dùng tay xoa đầu. Nếu có người sao chép, bưng trên tay thì đó là tôn thờ thân Phật, kính mến Đạo Pháp, kính chép Kinh này.

Sao chép kinh rồi muốn hiểu nghĩa lý thì khi mạng chung được sinh lên cõi Trời Đao lợi. vừa sinh lên cõi Trời, liền có tám vạn bốn ngàn vương nữ cõi Trời đánh đàn, ca tụng cúng dường và được làm Thiên Tử, ngồi giữa vương nữ cùng chung vui.

Nếu Tộc Tánh Tử chỉ sao chép kinh ấy mà công đức như thế, huống là tụng đọc tư duy ý nghĩa trong đó.

Vì vậy, bạch Thế Tôn! Người nào nhất tâm siêng tu Kinh Chánh Pháp Hoa, sao chép, thọ trì kinh quyển, thường tư duy tất cả chẳng quên, thì nên lễ bái người ấy, vì sao chép Kinh này nên được phước đức ấy, sẽ được thấy ngàn Đức Phật đưa tay, khi lâm chung cũng được diện kiến ngàn Đức Phật, dạo chơi chốn an lành, không đọa cõi ác. Sau khi mạng chung, được sinh lên cõi Trời Đâu Suất.

Vừa sinh lên Trời, có tám vạn bốn ngàn chúng ngọc nữ đến nơi, trổi các kỹ nhạc ca tụng phước đức, ở bên ngọc nữ cùng vui bằng chánh pháp. vị Tộc Tánh Tử ấy sao chép Kinh này công đức còn như thế, huống là tụng đọc, tuyên thuyết, tư duy ý nghĩa.

Vì vậy, siêng năng tu tập đầy đủ, sao chép, tuyên truyền, tư duy phụng hành Kinh Chánh Pháp Hoa chuyên cần nhất tâm, chí chưa từng loạn, vào lúc lâm chung, ngàn Phật đưa tay, diện kiến ngàn Phật, chẳng đọa cõi ác.

Vào lúc mạng chung sẽ sinh đến cõi Trời Đâu Suất ở chỗ Phật Di Lặc, thành Bồ Tát, có ba mươi hai tướng trang nghiêm thân, ức ngàn ngọc nữ quyến thuộc vây quanh.

Vì vậy kẻ trí thường nên siêng tu, sao chép, diễn nói, tư duy Kinh Điển này.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu có người sao chép, tư duy, tụng đọc Kinh này thì phước đức vô lượng, chẳng thể đo lường, cao vời như thế.

Vì vậy người trí sao chép, thọ trì Kinh này sẽ đạt được biết bao công đức.

Vì thế, con kiến lập Kinh này với dụng ý rộng lớn của con là siêng niệm đạo pháp lưu bố khắp nơi trong cõi Diêm Phù Lợi.

Bấy giờ Đức Như Lai Năng Nhân Chí Chân bảo Phổ Hiền: Hay thay, hay thay! Ông đã phát tâm thương tưởng đến nhiều chứng sinh, tinh tấn siêng năng hộ trì Bồ Tát ở tương lai, khuyến dẫn họ pháp chẳng nghĩ chẳng bàn này, tâm sẵn lòng thương bao la, trong khoảng phát tâm thâu nhiếp vô lượng hạnh. Tay cầm quyển Kinh, kiến lập ủng hộ.

Nếu có người thọ trì, niệm danh hiệu Bồ Tát Phổ Hiền thì nên biết, người ấy thấy Đức Phật Năng Nhân, trước đó đã từng nghe pháp giống như vậy, cúng dường phụng sự, thấy Phật Năng Nhân tuyên giảng Kinh Đạo, khen rằng: Hay thay! Và được Như Lai xoa đầu thì nên biế là công đức của Phổ Hiền. Người ấy được oai lực của Phật hộ trì.

Phật dùng y phục che chở cho. Người đó thọ nhận lời dạy của Như Lai, chẳng ưa sự nghiệp thế tục, chẳng ưa chơi đùa, cùng bọn ton hót, chẳng thích ca vũ, chẳng đi ra ngoài, chẳng vào chỗ sát sinh, nuôi heo gà vịt, chẳng theo nữ nhân làm việc tà quấy.

Nếu nghe Kinh này mà sao chép, thọ trì, phúng tụng, tuyên thuyết, tư duy, phụng hành pháp tự nhiên như thế, bên trong tinh chuyên, tự khởi phước lực thì tất cả chúng sinh nếu thấy cũng đều ái kính.

Nếu có Tỳ Kheo thọ trì Kinh này thì chẳng bị dâm, nộ, si trói buộc, chẳng bị tham lam, tật đố, tự đại buộc ràng, chẳng ôm long kiêu mạn, ương bướng tự chuyên, ương ngạnh, tà kiến, tư lợi, mà tự biết đủ.

Nếu có Pháp Sư tu hành đạt đến Bậc Hiền và hơn năm mươi năm, vào khoảng cuối cùng của thời mạt pháp trong đời năm trược, nếu có Tỳ Kheo thọ trì Kinh này, tư duy, hiểu nhớ thì nên biết các Tộc Tánh Tử ấy chắc chắn đến Đạo Tràng hàng phục ma quân, chuyển pháp luân, đánh trống pháp, thổi loa pháp, tuôn mưa pháp, ngồi trên pháp Tòa Sư Tử.

Vào thời kỳ cuối cùng của thời mạt thế, thọ trì Kinh này, công đức như thế.

Lại nữa, Tỳ Kheo chẳng dựa vào lợi dưỡng, chẳng tham y bát, thì những Pháp Sư ấy tâm tánh chất trực, không dua nịnh, chẳng rơi vào si ám. Hiện tại những vị ấy tự nhiên như thế.

Nếu có Tỳ Kheo thọ trì Kinh này, đời đời chẳng quên, sinh ra thông minh trí tuệ, chưa từng bị đui điếc, hiện tại an ổn, không có hoạn nạn. Nếu hủy bang Kinh này, chê bai người học, thọ trì, lại còn phỉ báng thì người ấy hiện tại bị bệnh hủi, thấy người sao chép Kinh này.

Chẳng phải là việc mình có thể làm, mà đùa cợt thì khi sinh ra ở chỗ nào, thân thể cũng khuyết tật, bị lửa thiêu đốt, thường bị tranh tụng, mặt mũi sinh ghẻ lở, chân tay cong queo, miệng mắt chẳng ngay thẳng, thân thể hôi hám, sinh ghẻ lở, thuốc men chẳng lành, khốn khổ khó nói.

Nếu nói Kinh này mà có người nghe thấy lại nói lỗi người nói thì tăng thêm ác bất thiện, điều nói ra không phải là lời thành thật, tin theo thì phạm tội ác, bị tai ương vô lượng, chỗ ở bất an.

Phật dạy: Vì vậy, này Phổ Hiền! Nếu thấy Tỳ Kheo thọ trì Kinh này thì từ xa đứng lên cung kính nghênh đón, phụng sự như phụng sự Như Lai.

Quy mạng Phật hiện tại thế nào thì quy mạng Pháp Sư ấy cũng như vậy không khác, mới đúng với lời Phật dạy.

Khi Phật nói phẩm Phổ Hiền này, có hằng hà sa số ức trăm ngàn vạn các chúng Bồ Tát đều chửng đắc tổng trì.

***