Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI CHÍN

THƯỜNG BỊ KHINH MẠN
 

Khi ấy Phật bảo Bồ Tát Đắc Đại Thế: Vì vậy nên biết, có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ nào trì Kinh Điển này, giả sử bị bốn bộ chúng mạ lỵ mắng nhiếc, phát ra lời thô tục quở trách, cấm chỉ thì tội ấy chẳng thể lường, lại nếu có người nghe Kinh này, rồi thọ trì đọc tụng, giảng giải rộng rãi ý nghĩa cho người khác thì đạt được phước thượng diệu.

So sánh như thế Phật đã khen ngợi nhãn, nhĩ, tỹ, khẩu, thân, ý thanh tịnh, không chướng ngại.

Lại bảo với Đắc Đại Thế: Từ thời xa xưa, cách đây rất lâu, rất lâu không thể tính đếm, chẳng thể nghĩ bàn số kiếp, có Phật Hiệu là Tịch Thú Âm Vương Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Kiếp tên là Ly Đại Tài, Thế Giới tên Đại trụ.

Phật dạy: Này Đắc Đại Thế! Như Lai Tịch Thú Âm Vương giảng kinh hóa đạo cho khắp cõi trời, người, giảng Bốn Thánh Đế cho hang Thanh Văn thừa, làm cho họ vượt già bệnh chết, đến gần Nê Hoàn, giảng giải cội nguồn sính khởi của mười hai nhân duyên, giảng sáu pháp Ba La Mật cho các Bồ Tát, làm cho họ đạt đạo vô thượng chánh chân, biểu hiện sở hành liên tục của trí tuệ Như Lai.

Phật thọ bốn hằng ha sa trăm ngàn ức cai kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp tồn tại trăm ngàn ức kiếp như số vi trần của một Cõi Diêm Phù Đề. Tượng Pháp tồn tại trăm ngàn ức kiếp như số vi trần của bốn châu thiên hạ.

Lại nữa, này Đắc Đại Thế! Sau thời kỳ Tượng Pháp của Phật ấy diệt hết lại có Phật kế tiếp hiệu là Tịch Thú Âm Vương, rồi lần lượt có hai mươi ức ngàn Đức Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư tiếp nối nhau.

Khi ấy các Đức Phật này lần lượt diệt độ. Chánh pháp diệt rồi. Tượng Pháp tiếp theo cũng diệt hết.

Tỳ Kheo ở thời ấy kiêu mạn tự đại, làm trái giáo pháp, có một Tỳ Kheo tên là Thường Bị Khinh Mạn học hạnh Bồ Tát.

Vì sao gọi là Thường Bị Khinh Mạn?

Vì vị Khai Sĩ Bồ Tát ấy mỗi khi thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, tín nữ đều gọi họ và bảo rằng: Chư Hiền, không được kiêu mạn tự cao.

Vì sao?

Vì ý chí của chư Hiền đương còn là Bồ Tát. Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã vì phương tiện, thuận theo đối tượng, giảng hạnh Bồ Tát cho các Tỳ Kheo.

Vị Khai sĩ ấy chẳng vâng theo lời khuyên bảo, chẳng chịu phúng tụng, hễ vừa thấy bốn chúng thì gọi họ, bảo rằng: Tôi trọn đời chẳng dám khinh mạn quý ngài. Quý ngài đang học hạnh Bồ Tát cao vời, sẽ đạt đến quả vị Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Phật dạy: Này Đắc Đại Thế! Khi ấy bốn chúng nghe lời này đều nổi giận mạ nhục mắng chửi: Tỳ Kheo này chẳng thưa hỏi chúng ta, chẳng biết nhân tâm nhưng lại tự cao cho là biết nhân tâm và thọ ký cho chúng ta sẽ thành vô thượng chí chân Đẳng Chánh Giác. Những việc lạ thường, điều mà người ta không muốn mà vẫn cứ nói.

Lại nữa, này Đắc Đại Thế! Như một người đi đường gặp cơn mưa lớn, nhờ oai thần của Phật che chở, thân không bị ướt vị, Tỳ Kheo ấy tuy bị nhục mạ nhưng tâm chẳng sân hận, sắc mặt chẳng đổi. Hoặc có người nghe lời nói ấy căm ghét chẳng ưa, dùng ngói đá ném.

Nhưng vị ấy từ xa vẫn tiếp tục cất tiếng bảo rằng: Chớ làm điều khinh mạn, hãy tu tâm nhẫn nhục, phát tâm bồ đề.

Vì sao?

Vì lúc bấy giờ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ tự cao tự đại nghe thấy Đại Sĩ nói là tâm tôi thường khiêm hạ chẳng dám khinh các ngài và tuy bị mạ nhục nhưng tâm vẫn bình thản, nên nhân đó bọn người của bốn chúng ấy đặt tên ngài là Thường Bị Khinh Mạn.

Vị Đại Sĩ này khi lâm chung được nghe Đức Tịch Thú Âm Vương Như Lai giảng trăm ngàn ức sự việc về ý nghĩa thâm diệu của hai mươi bài tụng trong Kinh Chánh Pháp Hoa này.

Đại Sĩ khi mạng chung vọt lên Hư Không lớn tiếng khen ngợi Kinh Điển này rằng: Người nào thọ trì Kinh này, trước hết sẽ được nhãn căn thanh tịnh. Nhĩ, tỹ, khẩu, thân, ý cũng thanh tịnh. Đã được thanh tịnh rồi thọ mạng liền tăng thêm hai mươi ức muôn, đạt được định ý, lại giảng thuyết Kinh Điển này cho mọi người.

Bốn chúng khi trước nghe vị ấy nói mà hủy báng gọi Đại Sĩ này là Thường Bị Khinh Mạn, cho là tự đại thì nay thấy thần lực vi diệu, tuệ lực biện tài, đạo lực khéo léo của Đại Sĩ này đều đến quy phục, kính trọng thân cận để nghe Kinh pháp.

Những hạng người ấy vô số ức người nhiều không thể đếm, ngài đều làm cho an lập tâm đạo vô thượng chánh chân.

Lại gặp hai mươi trăm ngàn ức Như Lai đều cùng một hiệu là Lôi Âm Vương, cũng được nghe Kinh Chánh Pháp Hoa, thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết cho bốn chúng. Sinh ra ở bất cứ đâu cũng thường tự nhiên được mắt thanh tịnh, tai thanh tịnh, mũi thanh tịnh, miệng thanh tịnh, thân thanh tịnh, ý thanh tịnh.

Nhìn nghe xuyên suốt, mũi thông, miệng lẹ, thân thể nhẹ nhàng, ý thấy rõ tâm chúng sinh, diễn nói, phân biệt ý nghĩa của Kinh Điển này cho bốn chúng.

Phật dạy: Này Đắc Đại Thế! Đại Sĩ Thường Bị Khinh Mạn cúng dường phụng sự biết bao số trăm ngàn ức Đức Như Lai rồi, lại gặp vô số trăm ngàn ức Đức Như Lai, cũng vẫn theo thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa. Do căn bản phước đức này tự đạt đến đạo vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác.

Này Đắc Đại Thế! Bồ Tát muốn biết vị Đại Sĩ Thường Bị Khinh Mạn ở thời của Tịch Thú Âm Vương Như Lai, nói Kinh pháp cho bốn bộ chúng là ai chăng?

Vị ấy chính là ta vậy.

Giả sử lúc ấy ta chẳng thọ Kinh Chánh Pháp Hoa này, chẳng thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết cho mọi người thì chẳng có thể nhanh chóng đạt được đạo vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác. Vì ta theo Chư Phật Thế Tôn ở quá khứ nghe Kinh Điển này, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết cho mọi người nên thành tựu Phật Quả.

Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, tín nữ mà thuở ấy vị Đại Sĩ kia đã nói là: Tôi cung kính chẳng dám khinh các Ngài. Các ngài sẽ đạt được trí tuệ đạo đức của Đức Như Lai Đẳng Giác và bốn chúng ấy đã khinh khi, mắng nhiếc, cười chê vị Đại Sĩ kia, không tự hối cải nên trải qua hai mươi ngàn ức kiếp sinh ra đời thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe Kinh pháp.

Lại trải qua vạn kiếp đọa vào đại địa ngục Vô khả, bị khảo tra thiêu đốt đau đớ n không thể diễn tả.

Hết tội rồi, ra khỏi địa ngục, do được vị Đại Sĩ kia giáo hóa làm cho phát tâm cầu đạo vô thượng chánh chân, đều đắc thần thông, trí tuệ vô ngại. Nay đều có mặt nơi đây.

Phật dạy: Này Đắc Đại Thế! Ông muốn biết bốn chúng thuở ấy đã hủy nhục chê cười, sân nhuế, mạ lỵ vị Đại Sĩ ấy là ai chăng?

Đó chính là năm trăm vị Bồ Tát nhóm của ông Bạt Đà Hòa, năm trăm vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ở là nhóm của ông Sư Tử Nguyệt đang ở trong Pháp Hội này và năm trăm Thiện Nam, năm trăm Thiện Nữ ở trước ta đây, đều không thoái chuyển sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.

Phật dạy: Này Đắc Đại Thế! Nghĩa lý của Kinh Chánh Pháp Hoa này rộng lớn, oai thần vô lượng, vô biên. Tất cả các Bồ Tát Đại Sĩ đều kính phụng. Sau khi Như Lai diệt độ, người thọ trì, đọc tụng Kinh này được phước như thế và sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.

Khi ấy Thế Tôn nói tụng khen:

Nay ta nhớ nghĩ

Việc xưa đã qua

Phật tên Tịch Thú

Âm Vương Như Lai

Oai thần vô lượng

Trời, người cung kính

Giảng pháp cho các

Nhân dân, chúng sinh

Phật tối thắng ấy

Sau khi diệt độ

Chánh pháp của Ngài

Vào thời cuối cùng

Có một Tỳ Kheo

Tu hạnh Bồ Tát

Thời ấy đặt tên

Thường Bị Khinh Mạn

Thường thường đi đến

Trong chúng Tỳ Kheo

Và Tỳ Kheo Ni

Thấy họ điên đảo

Nên khuyến hóa cho

Chí hạnh Phật đạo

Tự nói tâm ta

Chẳng dám kiêu mạn

Bị người chê cười

Mắng nhiếc nhục mạ

Khi ấy vì họ

Khiến nghe lời này

Giả sử khi được

Nghe Kinh pháp này

Thì được an trụ

Dù làm việc gì

Trí tuệ sáng soi

Khi sắp lâm chung

Được phân biệt nói

Kinh Pháp Hoa này

Báo ứng tức thời

Tăng thêm tuổi thọ

Thân ấy biến hiện

Đều được tự tại

Ở trên hư không

Giảng thuyết Kinh Điển

Giáo hóa tất cả

Đều phát đạo tâm.

Bấy giờ Đại Sĩ

Sau khi mạng chung

Được gặp Chư Phật

Trăm ngàn ức muôn

Dần dần khai hóa

Thâm nhập Kinh pháp

Vì được phân biệt

Giảng nói Kinh này

Là người tối thắng

Đắc thành quả Phật

Chính là thân ta

Như Lai Năng Nhân

Còn các Tỳ Kheo

Và Tỳ Kheo Ni

Các thiện nam tử

Cùng thiện nữ nhân

Miệng ưa phỉ báng

Có mặt thuở ấy

Họ được khai hóa

Hiểu rõ Kinh Điển

Thường sẽ được gặp

Vô số ức Phật

Là năm trăm vị

Nhóm Bạt Đà Hòa

Các chúng Tỳ Kheo

Và Tỳ Kheo Ni

Thiện Nam, tín nữ

Nay ở trước Phật

Thuở trước ta đã

Cho nghe Kinh pháp

Đều được khai hóa

Khiến cho hiểu rõ

Nay đây thân ta

Sau khi diệt độ

Nên luôn thọ trì

Phụng thờ Kinh này

Phải nên tư duy

Vô số ức ức

Chưa từng được nghe

Kinh pháp như thế

Giả sử có Phật

Số trăm ngàn ức

Mong nghe giảng thuyết

Kinh Điển như thế

Vì vậy khi nghe

Kinh giống như vậy

Thánh Tôn tự tại

Xưng dương tán thán

Sau ta diệt độ

Có người diễn nói

Kinh Pháp Hoa này

Cần luôn phải nhẫn.

***